Cập nhật: 20/10/2021 07:57:00
Xem cỡ chữ

Gần 100 hệ thống, trường mầm non tư thục tại TPHCM cùng đứng đơn gửi kiến nghị lên Chính phủ về chính sách hỗ trợ đặc biệt vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Mới đây, nhiều chủ cơ sở mầm non tư thục tại TPHCM đã có thư ký tên điện tử gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. 

Gần 100 trường mầm non tư thục cầu cứu Chính phủ, mong sớm hoạt động lại - 1

Thư kiến nghị của gần 100 hệ thống, cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại TPHCM gửi Chính phủ (Ảnh chụp màn hình).

Nội dung kiến nghị các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tư thục mầm non trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Trong thư, các trường thông tin đến Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này, các doanh nghiệp trong ngành giáo dục mầm non đang trong bối cảnh vô cùng khó khăn do dịch bệnh gây ra. Đây là một trong những lĩnh vực đầu tiên ngưng hoạt động vì dịch bệnh nhưng đến nay vẫn chưa được hoạt động trở lại.

Cụ thể, trong năm 2020, các trường mầm non phải ngưng hoạt động 3,5 tháng và năm 2021, tính từ tháng 5 đến tháng 9 là 5 tháng. 

Đơn thư cũng dẫn ra hàng loạt cơ sở giáo dục mầm non đã phải giải thể và ngưng hoạt động, hàng chục ngàn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bị ảnh hưởng về lương và bảo hiểm vì dịch bệnh. 

Các trường cho rằng, với áp lực từ tiền thuê mặt bằng và hỗ trợ giáo viên, nhân viên, nếu tình hình ngưng hoạt động tiếp tục kéo dài, sẽ có nhiều hơn cơ sở giáo dục mầm non tư thục buộc phải đóng cửa.

Đề xuất sớm được hoạt động trở lại, miễn giảm các loại thuế phí 

Trong thư kiến nghị, các cơ sở giáo dục mầm non mong muốn nhận được các chính sách hỗ trợ, như: 

Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đáp ứng đủ Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học của Sở GD-ĐT TPHCM được sớm hoạt động trở lại.

Gần 100 trường mầm non tư thục cầu cứu Chính phủ, mong sớm hoạt động lại - 2

Một số kiến nghị về chính sách hỗ trợ của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại TPHCM (Ảnh: Chụp lại màn hình).

Tổ chức đối thoại giữa đại diện các cơ sở giáo dục mầm non tư thục và đại diện Sở GD-ĐT, Sở Y Tế, UBND Thành phố, để thảo luận các phương án nhằm tháo gỡ khó khăn, đóng góp ý kiến đảm bảo môi trường lớp học an toàn trong mùa dịch và bảo vệ sức khỏe của học sinh, ví dụ tổ chức xét nghiệm định kì.

Hỗ trợ các gói vay tín dụng không lãi suất hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian tối thiểu 24 tháng để doanh nghiệp trang trải các chi phí cơ bản như tiền thuê nhà, tiền lương các bộ phận túc trực tại khuôn viên trường, chi phí sữa chữa cơ sở vật chất sau thời gian dài không sử dụng.

Theo báo cáo vào giữa tháng 8/2021 của Sở GD-ĐT TPHCM, trong năm 2020-2021, tại TPHCM có trên 150 cơ sở giáo dục mầm non (gồm 27 trường, 124 nhóm trẻ) đã giải thể và ngưng hoạt động.

Tính đến thời điểm 11/9, tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên, người lao động trong ngành giáo dục bị mất việc làm là 12.341 người, tập trung nhiều nhất ở bậc học mầm non với hơn 10.129 người (chiếm trên 82%). 

Hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ đối với các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp hoặc cho các chủ nhà thế chấp tài sản cho ngân hàng là địa điểm trường học cho thời gian tối thiểu 24 tháng.

Miễn giảm toàn bộ chi phí điện, nước, internet phát sinh trong thời gian ngưng hoạt động.

Miễn giảm toàn bộ các phí bảo hiểm xã hội, y tế nhưng người lao động vẫn được hưởng lợi ích từ thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian ngưng hoạt động và mở rộng tối thiếu 12 tháng các loại chi phí bảo hiểm xã hội, y tế, công đoàn kể từ thời điểm hoạt động bình thường.

Miễn giảm toàn bộ các loại thuế phải đóng như thuế thu nhập cá nhân của người lao động, thuế thu nhập doanh nghiệp trong khoảng thời gian tối thiểu 24 tháng kể từ thời điểm hoạt động bình thường.

Đối với nguồn nhân sự là quản lý, giáo viên, nhân viên ngành mầm non, các trường kiến nghị hỗ trợ ưu tiên chích vaccine cho giáo viên, cán bộ và nhân viên từ địa phương  quay trở lại trường làm việc.

Đồng thời, thư kiến nghị đề xuất có gói hỗ trợ riêng dành cho giáo viên và công nhân viên làm việc trong ngành giáo dục. 

Theo các cơ sở giáo dục, tổng thời gian nghỉ việc không lương của nhân viên công tác cho các doanh nghiệp giáo dục mầm non trong năm 2021 đã là gần 6 tháng và có thể kéo dài tùy vào tình hình dịch bệnh khó khăn. Đây có thể được xem là một trong những lao động buộc phải ngưng làm việc do yêu cầu chống dịch.

Gần 100 trường mầm non tư thục cầu cứu Chính phủ, mong sớm hoạt động lại - 3

Hàng loạt cơ sở mầm non tư thục tại TPHCM đóng cửa, giải thể vì dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: H.N).

Đơn kiến nghị viết: "Kính đề xuất có thêm gói hỗ trợ cho riêng các giáo viên, nhân viên làm việc trong ngành giáo dục mầm non tư thục để trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản. Việc chăm lo được đời sống giáo viên nhân viên sẽ đảm bảo lực lượng lao động trong lĩnh vực này để các phụ huynh yên tâm tham gia vào lao động sản xuất, góp phần vào quá trình bình thường mới theo mục tiêu của Chính phủ".

Ngoài ra, các cơ sở kiến nghị hỗ trợ giới thiệu việc làm cho các nhân viên giáo viên trực thuộc doanh nghiệp giáo dục mầm non trong thời gian chờ đợi trường học được mở cửa trở lại.

Theo Hoài Nam/dantri.com.vn - 20/10/2021

link gốc