Theo các chuyên gia, rất khó để kiểm soát trẻ em tiếp cận các thông tin xấu, độc khi trẻ học online. Thậm chí, có em còn xem "web đen" khi sử dụng máy tính tại trường.
Khổ sở vì trẻ nghiện internet
Chia sẻ tại hội thảo bảo vệ trẻ em và phụ nữ trên môi trường mạng, bà Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, tình trạng nghiện điện thoại, nghiện internet trong giới trẻ đang ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt là khi các em học online trong giai đoạn bị ảnh hưởng Covid-19, thời gian tiếp xúc điện thoại, máy tính càng nhiều nên xu hướng này càng gia tăng.
Nghiêm trọng hơn, do đang trong độ tuổi tò mò nên nhiều em đã truy cập các thông tin không lành mạnh trên internet, gây ra nhiều vấn đề về lối sống, tâm lý mà phụ huynh không thể giải quyết.
"Có em mở laptop để học online mà bên cạnh lại mở điện thoại để chơi game, xem phim người lớn. Có em còn xem các trang web đen ngay trên máy tính trường học bị nhân viên IT phát hiện", thạc sĩ Cẩm Giang cho biết.
Khi trẻ học online một mình ở nhà, cha mẹ sẽ rất khó kiểm soát nội dung con xem trên mạng (Ảnh minh họa).
Theo cô Giang, những vấn đề tâm lý, lối sống lệch lạc của các em nghiêm trọng đến mức nhiều phụ huynh khổ sở tìm đủ cách khuyên nhủ cũng không được, lúng túng không biết cách xử lý, phải nhờ đến giáo viên tâm lý tư vấn. Thậm chí, nhiều phụ huynh phải mời chuyên viên tâm lý tư vấn cho con mình định kỳ đến 1 - 2 giờ đồng hồ mỗi tuần.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng nêu một nguy cơ khác ảnh hưởng nhiều đến trẻ em trên nền tảng internet là mạng xã hội.
Hiện có đến 20 triệu người dùng mạng xã hội là trẻ em và trung bình mỗi ngày các em dành đến hơn 2 giờ 20 phút để dùng mạng xã hội. Các em có thể tiếp cận các nội dung xấu, độc và nguy hiểm hơn là nghiện mạng xã hội.
Cô Cẩm Giang khẳng định tình trạng nghiện mạng xã hội là có thật. Ngay cả người lớn cũng gặp tình trạng này, thường xuyên bị các luồng thông tin trên mạng xã hội dẫn dắt và không rời mắt khỏi điện thoại được. Cô nói: "Ngay cả người lớn còn sa đà như vậy chứ nói gì đến trẻ con".
Bảo vệ trẻ em thông qua giáo dục cảm xúc
Điều mà các nhà giáo dục lo lắng nhất là nếu không có giải pháp kiểm soát con trẻ hạn chế thời gian sử dụng internet, ngăn cản trẻ xem các nội dung xấu, độc thì những vấn đề lệch lạc lối sống, tâm lý của trẻ sẽ trở thành vấn nạn khó giải quyết.
Theo cô Cẩm Giang, rất nhiều phụ huynh gặp vấn đề này trong thời gian con trẻ học online nhiều tháng qua. Nhiều lúc con học online, cha mẹ đi làm giám sát qua camera an ninh mà vẫn không yên tâm.
Ngay bản thân cô khi đi làm phải chở con đi theo để dễ kiểm soát, nhưng rất nhiều gia đình không có điều kiện làm như vậy, phó mặc cho con trẻ với chiếc điện thoại để học online ở nhà và không biết trẻ dùng để xem những gì khác.
Từ đó, cô Cẩm Giang cho rằng, chỉ có thể bảo vệ con trẻ bằng cách hướng dẫn trẻ những gì nên làm và không nên làm, những gì nên xem và không nên xem.
Cô Giang cũng giới thiệu chương trình giáo dục cảm xúc (SEL) mà nhiều trường quốc tế đang áp dụng. Chương trình này hướng dẫn trẻ các kiến thức để khám phá và bảo vệ bản thân mình; Cách đưa ra các quyết định hợp lý; Thái độ tích cực và các hành vi xã hội tích cực hơn…
Với những kiến thức này, trẻ sẽ có nhận thức đúng đắn để lựa chọn các thông tin phù hợp. Cô Giang nhấn mạnh: "Chỉ khi đứa trẻ tự biết bảo vệ mình thì mới tốt được, vì cha mẹ cũng không thể theo sát con 24/24".
Chuyên viên tư vấn tâm lý Bùi Thị Xuân Mai thì góp ý nên thiết lập một mạng lưới tư vấn tâm lý miễn phí cho trẻ em để giải quyết các vấn đề trẻ gặp phải trên môi trường mạng. Theo bà, cần có một mạng lưới đủ sâu rộng để bao quát hết các vấn đề của trẻ cũng như là phủ kín về mặt địa lý.
Tổng đài 111 hiện là đầu mối tiếp nhận, xử lý mọi thông tin gây hại đến trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, hiện Cục Trẻ em có Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Tổng đài này tiếp nhận xử lý mọi thông tin gây hại đến trẻ, trên website của tổng đài có nhiều tài liệu truyền thông đã được chuẩn hóa có thể dùng làm tài liệu hướng dẫn trẻ bảo vệ mình trên môi trường mạng.
Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cũng nhận định vai trò của các cơ sở giáo dục đào tạo trong công tác này rất quan trọng. Với hệ thống rộng khắp, các cơ sở giáo dục có thể hướng dẫn trẻ em kiến thức bảo vệ mình trên môi trường mạng như chương trình giáo dục cảm xúc mà nhiều trường quốc tế đang áp dụng.
Theo Tùng Nguyên/dantri.com.vn – 22/10/2021
link gốc