Hàng loạt trẻ ở TPHCM phải nhập viện cấp cứu do cha mẹ cho các bé xông hơi trị Covid-19, gây bỏng bộ phận sinh dục cùng nhiều vùng khác trên cơ thể.
Ngày 25/10, ThS.BS Đinh Phương Đông, Phó khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (nơi được chuyển công năng điều trị Covid-19 khi dịch bệnh tại TPHCM phức tạp) cho biết, gần đây ông cùng các đồng nghiệp đã tiếp nhận một số trường hợp F0 bị bỏng vì tự điều trị Covid-19 tại nhà.
Bỏng vùng kín vì xông hơi trị Covid-19
Trong số này có trường hợp một bé gái 15 tuổi, ngụ TPHCM. Qua khai thác lời kể ban đầu từ bệnh nhân, khi phát hiện nhiễm Covid-19, gia đình đã lấy nước sôi từ bình siêu tốc để nấu nồi xông hơi cho bé. Tuy nhiên do bất cẩn, nước sôi đổ trực tiếp vào vùng tầng sinh môn và 2 chân, làm bé bị bỏng nặng.
Bé được đưa đến một bệnh viện dã chiến, trước khi chuyển vào Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương vì vết thương không thể xử lý triệt để. Tại đây, sau khi thăm khám, bác sĩ Đông xác định bé bị bỏng diện tích 10% vùng bẹn đùi 2 bên và chân phải.
Bé gái bị bỏng vùng tầng sinh môn và bẹn đùi hai bên (Ảnh: BSCC).
Bệnh nhi được điều trị, thay băng, chăm sóc tích cực vết thương bỏng. Sau 2 tuần nằm viện, vết thương đã lành tốt, ổn định, không để lại di chứng gì và đã được xuất viện. "Trong mùa dịch, bệnh viện có 8 trường hợp F0 phải điều trị bỏng liên quan đến bỏng nước sôi, xông hơi..." - bác sĩ Đông thống kê.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Trần Bích Thủy, khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình cho biết, thời điểm TPHCM siết chặt giãn cách vì dịch bệnh, có đến 4 trường hợp trẻ bị bỏng vì cha mẹ cho xông hơi, phải nhập viện.
Trường hợp đầu tiên là bé S.T.H. (7 tuổi, ngụ quận 11), bị bỏng 7% vùng thân trước và bộ phận sinh dục. Bé nhập viện ngày 1/9, điều trị trong 14 ngày để chích kháng sinh xử lý tình trạng nhiễm trùng, thay băng.
Một trường hợp khác là bé N.Q.H. (6 tuổi, ngụ quận 8) cũng bị bỏng 6%, thân trước, bộ phận sinh dục và 2 chân sau khi gặp nạn do xông hơi trị Covid-19 tại nhà. Còn bé T.H.Q. (30 tháng tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) cũng bị bỏng 5% tay trái, phải điều trị 14 ngày vì mẹ cho xông hơi để phòng bệnh Covid-19.
Đặc biệt là trường hợp của bé N.P.L. (9 tuổi, ngụ Quảng Ngãi). Khai thác bệnh sử, người mẹ sau khi phát hiện nhiễm Covid-19 đã nấu nồi xông hơi tại nhà, rồi xông luôn cho con, khiến bé bỏng 6% vùng mông, chân trái, chân phải.
Lời khuyên cho cha mẹ
Theo bác sĩ, tất cả trường hợp trên đều là các ca F0. Trong mùa dịch, khoa Bỏng của bệnh viện phải kiêm việc nhận bệnh nhân một số khoa khác, phân chia nhân sự tăng cường cho điều trị Covid-19. Với những ca bỏng do nước xông không nhiễm virus SARS-CoV-2, sẽ được cho điều trị ngoại trú.
Hầu hết các ca bỏng nhập viện đều không quá nặng. Tuy nhiên có trường hợp trẻ bị nhiễm trùng, vì sau khi bỏng người nhà tự thay băng sai cách, đến ngày 4-5 sau bỏng mới đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bỏng, nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: BSCC).
Bác sĩ Thủy cho biết, trường hợp trẻ bị bỏng nặng vùng kín có thể dẫn đến sẹo co rút, mất chức năng, mất thẩm mỹ. Thông thường, bỏng trẻ em đa phần liên quan đến sự bất cẩn của người lớn, không chỉ ở bỏng nước sôi mà cả bỏng điện, bỏng dầu ăn…
Một số tình huống cha mẹ sau khi gây tai nạn cho con có thể suy sụp tinh thần. Do đó ngay khi nhập viện, bác sĩ sẽ tìm cách động viên, trao đổi kỹ các tình huống có thể xảy ra để trấn an họ.
Các bác sĩ chia sẻ, ở Việt Nam thói quen xông hơi diễn ra khá phổ biến, kể cả có bệnh hay không, và khi người lớn xông thì cũng tiến hành xông cho con cháu. Trẻ em da còn mỏng nên rất dễ bị tổn thương. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị ngộp, ngộ độc trong quá trình xông.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nếu muốn phòng Covid-19 chỉ cần giữ vệ sinh sạch sẽ, tuân thủ 5K, cho trẻ uống thuốc bổ. Trường hợp quyết định xông hơi cho con thì phải cẩn thận, nước xông nấu đúng độ và phải có người lớn ở bên cạnh.
Theo Hoàng Lê/dantri.com.vn - 25/10/2021
Link gốc