Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông hàng hóa, song công tác xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu cho nông sản Việt Nam luôn được ngành nông nghiệp cùng các đơn vị triển khai với nhiều hình thức linh hoạt.
Hiện nay, Vĩnh Phúc đã có một số mặt hàng nông sản được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như: Thanh long ruột đỏ, mật ong Tam Đảo…tuy nhiên số lượng vẫn chưa nhiều. Mặt khác, với điều kiện khí hậu có nhiều ưu đãi, Vĩnh Phúc có lợi thế về một số mặt hàng nông sản có giá trị cao như: dược liệu quý, đặc sản vùng miền trong tỉnh, đây là những sản phẩm rất tiềm năng mà các nhà đầu tư có thể liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sang các thị trường Châu Âu, đặc biệt là Cộng hòa Liên bang Đức.
Theo các diễn giả tại chương trình tọa đàm “thúc đẩy hợp tác đầu tư kinh doanh Vĩnh Phúc - Cộng hòa Liên bang Đức và Châu Âu mới đây, điều quan trọng nhất để nông sản Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung có thể xuất khẩu thì cần có những cơ chế, chính sách của tỉnh, nhất là vấn đề thuế quan, hay vấn đề sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng này. Bên cạnh đó, nông sản cần phải đáp ứng được những tiêu chí chất lượng tiêu chuẩn global garp, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, công nghệ sơ chế, bảo quản đảm bảo chất lượng nông sản chính là các yếu tố cơ bản để đưa các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường nước bạn.
Hiện nay, Hiệp định thương mại tự do đã ký kết là cơ hội rất lớn cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp các nước. Các doanh nghiệp cũng có nhiều cơ hội liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường, hay đơn giản là học những kinh nghiệm, cách làm của nước bạn để áp dụng cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình./.
Thùy Linh