Vì đánh mất khoản tiền đóng học phí, T. vay "tín dụng đen" qua các app (ứng dụng di động) trực tuyến. Khi gia đình phát hiện tiền gốc lẫn lãi đã lên đến gần 300 triệu đồng.
T. là sinh viên năm thứ 2 của trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, hiện đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý vì liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi dọa dẫm đòi tiền.
Danh sách các app mà sinh viên T. đã vay (do gia đình cung cấp)
Theo chia sẻ của đại diện gia đình của T., vì đánh mất khoản tiền đóng học phí khoảng hơn 10 triệu đồng, nữ sinh đã vay tiền qua các app trực tuyến trên điện thoại. Khi gia đình biết chuyện thì số tiền T. vay bao gồm gốc lẫn lãi lên tới gần 300 triệu đồng.
Theo anh D. - anh trai của T., khi tìm hiểu thì T. đã vay qua rất nhiều ứng dụng và không nhớ đã vay bao nhiêu.
"Từ lời kể của T., tôi ngồi lọc được có rất nhiều app cho em vay nhưng không có app nào giống app nào. Mỗi app cho mượn một ít nhưng khi gom lại thì số tiền cả gốc và lãi rất lớn. Không biết số tiền em thực nhận là bao nhiêu, nhưng cộng cả gốc lẫn lãi thì gần 300 triệu đồng", anh D. kể.
Sau lời kể của em gái, anh trai T. lọc được gần 60 app đã được nữ sinh này vay, trong đó mức vay thấp nhất chỉ gần 1 triệu đồng và nhiều nhất lên đến trên 17 triệu đồng.
Anh D. cho biết, em gái anh kể ban đầu chỉ vay mấy triệu với mức trả hàng tháng chỉ mấy trăm nghìn nên nghĩ mỗi tháng chỉ mấy trăm nghìn là một số tiền nhỏ. Tuy nhiên, sau đó T. không trả được và cũng không dám nói ra, khi đó các app mới lại mở ra và cho vay đủ tiền để đáo hạn.
Bị đe dọa đòi nợ, T. tiếp tục vay rồi vay nữa, dẫn tới khoản nợ lớn.
Các app vay tiền khiến sinh viên "dính bẫy" (ảnh: HUFI)
Cũng theo anh D., việc cho vay rất đơn giản chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân và cho truy cập vào danh bạ điện thoại. Vì vậy, sau khi vay và chưa trả hết thì bản thân người vay và gia đình, bạn bè liên tục bị đòi nợ, hù dọa.
Sau vụ việc, gia đình của nữ sinh T. liên hệ lại các bên cho vay nhưng không ai bắt máy nên chưa biết sẽ trả tiền thế nào. Mặt khác, gia đình cũng không biết cơ sở pháp lý thế nào để trả vì không có giấy tờ vay nợ nên rất lo lắng.
Từ vụ việc của nữ sinh T., Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đã phát thông báo nhắc nhở sinh viên không vay vốn "tín dụng đen". Nhà trường yêu cầu tất cả sinh viên của trường tuyệt đối không tham gia vay tín dụng qua ứng dụng hoặc vay tín dụng trực tuyến với lãi suất vượt quá mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Trường hợp sinh viên đã thực hiện vay vốn tín dụng lãi suất cao liên hệ Phòng Công tác sinh viên & Thanh tra Giáo dục để được hỗ trợ giải quyết.
Trường cũng đề nghị sinh viên tuyệt đối không cung cấp thông tin sinh viên, thông tin cá nhân cho người ngoài hoặc thông tin kê khai trên các ứng dụng, diễn đàn không rõ ràng. Đồng thời, không lợi dụng, lôi kéo người khác tham gia hoặc cung cấp thông tin cá nhân của người khác khi chưa được phép.
Trong văn bản, nhà trường cũng khuyến cáo toàn sinh viên khi gặp khó khăn đột xuất về tài chính thì liên hệ với Phòng Công tác sinh viên & Thanh tra Giáo dục của nhà trường để được hỗ trợ.
Theo lãnh đạo của trường ĐH này: "Học sinh, sinh viên là lứa tuổi còn non nớt, chưa làm ra tiền lại dễ bị dụ dỗ trong khi đó các ứng dụng vay tiền lãi suất cao đã đánh vào tâm lý này, và người chịu hậu quả là các bậc phụ huynh".
Theo Lê Phương/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/bang-ke-khung-danh-sach-vay-khien-sinh-vien-no-tin-dung-den-gan-300-trieu-20211117093814304.htm