Thấm nhuần lời dạy, tình cảm, tư tưởng của Bác Hồ trong bức thư cuối cùng Người gửi cho ngành giáo dục "Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt". Bằng tấm lòng nhiệt huyết, những năm qua, hàng nghìn lượt giáo viên vùng xuôi lên công tác ở các vùng khó khăn của tỉnh đã vượt qua bao vất vả, bám lớp, bám trường, tiếp thêm ý chí, nghị lực cho các em học sinh thân yêu tiếp bước tới trường.
Trong căn nhà công vụ dành cho giáo viên ở xa còn đơn sơ thiếu thốn đủ bề, cô giáo Trần Thị Vân, Trường Tiểu học Bồ Lý, huyện Tam Đảo vẫn miệt mài bên trang giáo án, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô luôn vui với cuộc sống hiện tại. 20 năm gắn bó với Trường Tiểu học Bồ Lý, ngôi trường còn nhiều khó khăn nhưng cô Vân chưa bao giờ có ý định xin chuyển về xuôi công tác. Gắn bó với ngôi trường này, coi đây là ngôi nhà thứ hai và niềm vui lớn nhất với cô chính là sự chăm ngoan, học giỏi của các em học sinh nơi đây.
Cũng như cô Vân, vợ chồng thầy giáo Nguyễn Huy Tuấn, Trường Tiểu học Đồng Tiến cũng là giáo viên miền xuôi lên công tác giảng dạy tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo.Với khoảng 90% học sinh là người dân tộc Sán Dìu nên để có thể hòa nhập với các em học sinh nơi đây, bản thân thầy Tuấn đã phải tìm hiểu phong tục, tập quán, đổi mới phương pháp dạy học giúp các em học sinh tiếp thu bài học được nhanh nhất. Cả gia đình 5 người phải sống trong căn nhà công vụ chật hẹp, thiếu thốn, song nơi ấy lại luôn đầy ắp tiếng cười con trẻ, đây cũng là động lực để thầy Tuấn ngày càng yêu nghề, gieo con chữ cho các em học sinh nơi đây.
Dẫu rằng trên con đường chinh phục những đỉnh cao của tri thức đối với các em học sinh còn gặp nhiều khó khăn, thế nhưng dù con đường có chông gai đến đâu, có khó khăn đến nhường nào thì những người giáo viên bám lớp, bám trường như cô giáo Trần Thị Vân, thầy giáo Nguyễn Huy Tuấn, vẫn luôn vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Bởi đằng sau những khó khăn ấy là cả một tương lai tươi sáng đang chờ đón các em học sinh thân yêu ở phía trước./.
Nguyễn Toàn