Cùng với việc đẩy mạnh thu hút FDI, phát triển khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, những năm qua tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, từng bước trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Năm 2002, Nhà máy Ống thép Việt Đức chính thức được thành lập tại Khu công nghiệp Bình Xuyên, huyện Bình Xuyên. Thời gian đầu đi vào hoạt động, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, nhưng với tinh thần sáng tạo, đổi mới trong sản xuất, sự đồng hành của tỉnh, từ một nhà máy nhỏ, đến nay Công ty Cổ phần thép Việt Đức trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu tại Việt Nam, đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH của tỉnh Vĩnh Phúc và là một trong những doanh nghiệp đại diện tiêu biểu của khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn.
Tính đến hết 31/7/2021, Vĩnh Phúc có 12.507 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký là 145.745 tỷ đồng, chủ yếu nằm trong khu vực kinh tế tư nhân, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khu vực kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, ngay từ năm 2013, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Vĩnh Phúc luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Mặc dù có nhiều đóng góp cho sự phát triển KT-XH, song khu vực kinh tế tư nhân luôn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: đa phần khối kinh tế tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, vốn ít; sự liên kết của các doanh nghiệp còn yếu. Vì vậy, tỉnh cần sớm có những đổi mới về cơ chế, chính sách để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho các doanh nghiệp, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
Khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn nữa để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhằm góp phần phát triển KT-XH, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân./.
Lưu Trường