Tháng 10 âm lịch, khi các thửa ruộng bậc thang rực lên màu lúa chín thì cũng là lúc người Tày ở huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) rộn ràng cho Lễ mừng cơm mới với ý nghĩa tạ ơn trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho mùa vụ tốt tươi, nhà nhà no ấm.
Sau khi hoàn tất việc thu hoạch lúa vụ mùa, như bao gia đình khác trong bản, gia đình nghệ nhân ưu tú Lương Thiêm Phú (84 tuổi, người Tày, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) cũng nhộn nhịp chuẩn bị Lễ mừng cơm mới. Nghệ nhân Lương Thiêm Phú cho biết đây là nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống, được người Tày gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Vụ mùa này, gia đình nghệ nhân Lương Thiêm Phú thu hoạch được hơn 1 tấn lúa
Lễ mừng cơm mới của người Tày huyện Bình Liêu.
Đình Lục Nà, xã Lục Hồn, ngôi Đình xây dựng từ thời Hậu Lê - niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.
Nghệ nhân Lương Thiêm Phú nói: "Người Tày chúng tôi đến mùa thu hoạch thường tổ chức ăn cơm mới vì làm vất vả cả năm nên cuối cùng được thu hoạch, mừng mùa màng bội thu thường ăn tháng 10 âm lịch. Dịp này sẽ mời tất cả những anh em thân quen, con cái về đầy đủ mừng 1 năm sản xuất thắng lợi và cầu mong sang năm bội thu hơn năm nay nữa".
Lễ mừng cơm mới tiếng Tày là "Kin khẩu mấư". Mâm cơm thắp hương tổ tiên được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ với các món như gà, cá, rượu... và đặc biệt là đĩa xôi nếp lá gừng được bày trang trọng chính giữa. Sau khi cúng tổ tiên, mâm cơm sẽ được gia chủ mang thiết đãi người thân, bạn bè và hàng xóm, láng giềng.
Chị Hà Thị Hải Yến, người Tày huyện Bình Liêu cho biết: "Chọn gạo nếp mới gặt xong, thơm ngon nhất để đồ xôi. Các bước quy trình như đồ xôi bình thường, chờ xôi bớt nóng một chút mới trộn nước lá gừng vào để tạo màu đặc trưng riêng. Lá gừng chọn loại lá tốt, màu xanh, rửa sạch và giã lấy nước cốt để trộn vào xôi. Ở đây, ngày mùng 1 âm sẽ cúng xôi vàng; ngày thanh minh là xôi ngũ sắc còn lễ mừng cơm mới là xôi màu xanh lá gừng, tượng trưng cho thiên nhiên và mong mùa màng tốt tươi. Từ xưa các cụ đã dạy vậy rồi giờ chúng tôi chỉ biết làm theo".
Vài năm trở lại đây, huyện Bình Liêu đưa nghi lễ mừng cơm mới là hoạt động nằm trong chương trình "Mùa vàng Bình Liêu". Từ quy mô gia đình, Lễ mừng cơm mới được mở rộng quy mô và thực hiện tại đình Lục Nà - ngôi Đình xây dựng từ thời Hậu Lê.
Ông Loan Thành Leng, Phó chủ tịch UBND xã Lục Hồn cho biết: "Lễ mừng cơm mới của dân tộc Tày được cấp ủy chính quyền từ huyện tới xã đưa vào đình Lục Nà từ năm 2020 với mong muốn giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của người Tày, để du khách hiểu thêm về văn hóa các dân tộc, về mùa vàng và thưởng cơm mới khi đến với Bình Liêu".
Tại hội "Mùa vàng Bình Liêu" năm nay, thầy cúng Bế Văn Mản (thôn Nà Luông, xã Lục Hồn) thay mặt người dân làm lễ báo công với Thành hoàng và cầu mong vụ mùa tới được no ấm:
"Bài cúng cơm mới đặc biệt nhất là thể hiện được ngày mùa. Cúng khoảng 25 đến 30 phút tùy cúng ở nhà hay ngoài đình. Như ngoài đình là cúng 12 tuần hương tương ứng với 12 lần rót rượu , nếu cúng ở nhà sẽ là 13 tuần hương với 13 lần rót rượu".
Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu Đông, bản Tày thơm nức mùi xôi nếp mới thoảng lẫn mùi trầm hương là lời nhắc nhớ mỗi người về cội nguồn, về những giá trị của lòng biết ơn, tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng nơi biên cương Tổ quốc.
Dù cuộc sống hiện đại với rất nhiều đổi thay, đồng bào Tày ở Bình Liêu vẫn đang nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình./.
Theo Vũ Miền/VOV-Đông Bắc
https://vov.vn/van-hoa/le-mung-com-moi-cua-nguoi-tay-binh-lieu-906397.vov