Cập nhật: 29/11/2021 08:15:00
Xem cỡ chữ

Sáng 28/11, Cảng Quy Nhơn (Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã khởi công xây dựng nâng cấp bến số 1 của cảng, ra mắt cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ cảng điện tử (Eport, EDO) và hệ thống quản lý khai thác cảng biển.

Chú thích ảnh

Các địa biểu nhấn nút khởi công dự án xây dựng nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn. 

Theo đó, cầu cảng hiện tại của Cảng Quy Nhơn sẽ được đầu tư xây dựng thêm 35m chiều dài hướng ra phía khơi vịnh Quy Nhơn nâng tổng chiều dài cho tàu cập cầu cảng từ 350m lên 480m, đảm bảo tiếp nhận đồng thời 2 tàu hàng tổng hợp, tàu container 30.000 tấn (DWT) đầy tải. Kết cấu bến cũng được tính toán thiết kế đảm bảo neo đậu cho tàu hàng tổng hợp, tàu 50.000 tấn đầy tải trong giai đoạn tới. Dự án có kinh phí đầu tư khoảng 500 tỷ đồng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.
 
Việc đầu tư nâng cấp bến số 1 sẽ đưa công suất xếp dỡ, thông qua hàng hóa của Cảng Quy Nhơn từ 8 triệu tấn/năm lên 15 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xuất nhập hàng hóa của khu vực miền Trung - Tây nguyên; phù hợp với tiến trình nâng cấp, mở rộng tuyến luồng Quy Nhơn đã được phê duyệt tại Quyết định số 2370/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ Giao thông Vận tải.
 
Tính đến ngày 28/11, Cảng Quy Nhơn đã thông qua sản lượng hàng hóa đạt 10,7 triệu tấn, đạt 105% so với kế hoạch năm 2021; doanh thu 1.200 tỷ đồng, đạt 135% kế hoạch năm 2021. Dự kiến cả năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn sẽ đạt 11,5 triệu tấn, doanh thu 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 400 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử 45 năm hình thành cảng.
 
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Cảng Quy Nhơn có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định. Ngoài vị trí địa chính trị, Cảng Quy Nhơn còn là một trong những thành tố quan trọng phát triển 5 trụ cột tăng trưởng chính của tỉnh.
 
Cụ thể gồm công nghiệp; du lịch; dịch vụ cảng và logistics bao gồm cảng biển và cảng hàng không; phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng; phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.

Chú thích ảnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu tại lễ khởi công. 

Theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, thời gian tới tỉnh Bình Định sẽ tập trung vào 3 khâu đột phá nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành trung tâm trung chuyển và dịch vụ cảng biển, logistics, vận tải, dịch vụ xuất - nhập khẩu, công nghiệp chế tạo, chế biến khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
 
Ngoài ra, Bình Định đang phấn đấu trở thành trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; đầu mối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước vùng sông Mekong; trọng điểm du lịch miền Trung với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Do đó, việc nâng cấp cầu cảng bến số 1 Cảng Quy Nhơn sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi, phát triển kinh tế của địa phương.
 
Cũng nhân sự kiện này, Cảng Quy Nhơn đã chính thức cho ra mắt công thông tin điện tử (Eport, EDO) và hệ thống quản lý khai thác cảng biển (TOS) được nâng cấp mới cho khách hàng trên tiêu chí phù hợp với sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Dự kiến đầu năm 2022, Cảng Quy Nhơn sẽ vận hành, đưa vào sử dụng chức năng trao đổi dữ liệu điện tử (EDI tự) động và thanh toán trực tuyến qua các hình thức thanh toán điện tử.

Theo Tin, ảnh: Phạm Kha (TTXVN)

https://baotintuc.vn/kinh-te-bien-dao/nang-cap-ben-so-1-cang-quy-nhon-20211128111846199.htm