Cập nhật: 30/11/2021 07:45:00
Xem cỡ chữ

Bài kiểm tra tư duy với đề bài ở các mức độ khác nhau, từ thông hiểu, vận dụng đến vận dụng sáng tạo, đã yêu cầu thí sinh có khả năng suy luận, nắm bắt và vận dụng kiến thức trong thời gian ngắn.

Nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với trường ĐH Bách khoa Hà Nội để tham gia tổ chức và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển đại học năm 2022. Kỳ thi do trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì. 

Các trường đại học gồm: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải; Trường Đại học Giao thông vận tải; Trường Đại học Mỏ-Địa chất; Trường Đại học Thăng Long; Trường Đại học Thủy lợi; Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Năm 2022, nhiều đại học tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy - 1

Các trường đại học ký kết thoải thuận hợp tác sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển đại học năm 2022 do trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì. 

Theo biên bản thỏa thuận, các trường cùng phối hợp và hỗ trợ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022. 

Các trường có trách nhiệm trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tổ chức Kỳ thi đánh giá tư duy và xét tuyển; cùng giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện trên tinh thần hợp tác, thiện chí và cùng có lợi.

Bên cạnh đó, các trường cùng phối hợp và hỗ trợ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong công tác xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022.

Mỗi trường tự chịu trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí liên quan đến hoạt động của mình. Những chi phí liên quan đến hoạt động chung sẽ được trao đổi, thống nhất bằng văn bản trước khi thực hiện.

Được biết, kỳ tuyển sinh đại học năm 2020 là năm đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai phương thức xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả bài kiểm tra tư duy. Trường đã tổ chức làm bài kiểm tra tư duy cho hơn 5.600 thí sinh tham gia tại 2 điểm thi Hà Nội và Thanh Hóa. 

Bài kiểm tra tư duy với đề bài ở các mức độ khác nhau, từ thông hiểu, vận dụng đến vận dụng sáng tạo, đã yêu cầu thí sinh có khả năng suy luận, nắm bắt và vận dụng kiến thức trong thời gian ngắn. 

Toàn bộ phần kiến thức nằm trong kiến thức phổ thông nhưng gắn liền với tình huống thực tế. Qua đó để đánh giá tư duy và năng lực cốt lõi của các em thí sinh, khả năng theo học các ngành đại học, đặc biệt những ngành khoa học kĩ thuật. 

Nội dung bài thi được xây dựng phù hợp với đặc điểm của giáo dục Việt Nam và cách tiếp cận tiên tiến trên thế giới.

Năm 2021, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tiếp tục hoàn thiện phương thức thi này để mở rộng phạm vi áp dụng. Tuy nhiên, Trường đã phải quyết định dừng tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước. 

Đây cũng là tiền đề cho sự hợp tác giữa các trường đại học trong việc hợp tác sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển đại học năm 2022, sẽ giúp cho xã hội và người học giảm áp lực số lần thi cử và di chuyển, giảm tốn kém vật chất, thời gian và công sức cho những thí sinh có nguyện vọng vào đại học, đặc biệt các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. 

Các trường cũng có thêm một phương án xét tuyển phù hợp, giảm bớt gánh nặng ở các khâu tổ chức kỳ thi và ra đề thi. 

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT rất hoan nghênh chủ trương này. Làm sao để có ít kỳ thi, nhưng đã thi là phải tin cậy, chất lượng, đảm bảo công bằng.  Đây sẽ là chìa khóa để thành công, đặc biệt trong những năm tới.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi quy chế theo hướng đơn giản, không đi quá chi tiết nhưng đề ra những nguyên tắc theo đúng quy định của pháp luật. Những thay đổi lớn mà các trường và thí sinh phải có sự chuẩn bị thì sẽ có lộ trình. 

Theo Nhật Hồng/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nam-2022-nhieu-dai-hoc-tuyen-sinh-bang-ket-qua-ky-thi-danh-gia-tu-duy-20211129145633185.htm