Cập nhật: 02/12/2021 09:08:00
Xem cỡ chữ

Tăng cường xét xử công khai tại trụ sở Tòa án kết hợp với tổ chức các phiên tòa lưu động tại địa bàn nơi xảy ra vụ án là giải pháp hữu hiệu thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân. Hoạt động này góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa các loại tội phạm của người dân.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra xét xử trên 1.100 vụ án hình sự với hơn 2.000 bị cáo phải chịu các hình phạt của pháp luật. Việc tổ chức các phiên tòa không chỉ thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến các bị can, bị cáo và những người tham dự phiên tòa.

Xác định việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả, dễ hiểu và mang tính thực tiễn cao, từ đầu năm đến nay, Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên đã mở 17 phiên tòa xét xử tại các địa bàn nơi xảy ra các vụ phạm tội để đông đảo người dân được biết và trực tiếp theo dõi toàn bộ diễn biến phiên tòa.

Việc đưa các vụ án ra xét xử lưu động nơi xảy ra vụ án chính là phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” cho quần chúng Nhân dân. Từ đó, người dân có thể tự nâng cao nhận thức của mình về pháp luật và đấu tranh với các hành vi sai phạm trong cộng đồng.

Giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử là hình thức giáo dục đặc thù và có ý nghĩa quan trọng của Tòa án. Ngoài việc tiến hành xét xử nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật tại trụ sở tòa án, việc mở các phiên tòa xét xử lưu động đã có tác dụng răn đe và góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, từ đó, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.

Kim Liên