Với chức năng đầu tư cho vay, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, song do đại dịch Covid-19, năm 2021, Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng đối mặt với rất nhiều khó khăn: không tiếp cận được khách hàng, nhiều khách hàng đề nghị giãn thời gian giải ngân, lùi thời điểm đầu tư dự án. Bên cạnh đó, Quỹ đang trong giai đoạn chờ cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại Quỹ, lĩnh vực được mở rộng đầu tư nên hoạt động gặp nhiều hạn chế.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Quỹ có 41 doanh nghiệp, dự án có kế hoạch sử dụng vốn nhưng chỉ có 5 doanh nghiệp đăng ký, cam kết sử dụng vốn. Tính đến tháng 12 có 8 doanh nghiệp cam kết sử dụng vốn với tổng mức 345 tỷ đồng. Mặc dù cho vay với lãi suất rất thấp, song do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp rất thận trọng vay vốn đầu tư các dự án. Bên cạnh đó, đối với các dự án đang sử dụng vốn vay, Quỹ cũng đã phải áp dụng các chính sách như cơ cấu nợ, giãn, giảm lãi suất.
Với chức năng đầu tư cho vay, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ được xem như là bệ đỡ giúp các doanh nghiệp cất cánh, các dự án được triển khai sớm, hiệu quả; nhất là các doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh tốt nhưng không có tài sản đảm bảo vay ngân hàng. Đặc biệt với lãi suất thấp nên nguồn vốn của Quỹ được các doanh nghiệp lựa chọn.
Điều khó khăn lớn nhất hiện nay của Quỹ là các sở, ngành của tỉnh tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh sớm ban hành văn bản để thực hiện Nghị định 147/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương; mở rộng và cụ thể hóa danh mục cho vay, đầu tư; danh mục ưu tiên bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cùng với đó, Quỹ mong muốn cấp có thẩm quyến sớm rà soát, sắp xếp tổ chức lại bộ máy hoạt động tinh gọn, năng động, giao trách nhiệm đảm bảo hoạt động có hiệu quả, khắc phục những hạn chế hiện, đáp ứng nội dung yêu cầu trong giai đoạn mới theo đúng Chính phủ quy định./.
Lỗ Hiếu