Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, phát huy truyền thống của quê hương “khoán hộ”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Phúc luôn chú trọng xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, đa dạng với cơ cấu ngành nghề hợp lý, gắn liền với thị trường. Với chủ trương sát đúng, sáng tạo và khoa học sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh ủy đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, phát huy tối đa nội lực, làm cho nền nông nghiệp của tỉnh có những bước chuyển biến mạnh mẽ.
Là doanh nghiệp tiên phong trồng nấm đùi gà theo công nghệ cao tại Vĩnh Phúc, đến nay, Công ty TNHH Nấm Phùng Gia, huyện Bình Xuyên đã thành công khi triển khai mô hình này. Với quy trình trồng, chăm sóc hoàn toàn hữu cơ, đáp ứng về tiêu chí ngon và sạch, nấm Phùng Gia đang được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Với giá niêm yết nấm yến từ 100-110 nghìn đồng/kg, nấm đùi gà ở mức 120 -150 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi tháng, công ty đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 25 lao động địa phương với thu nhập 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Thay đổi chỉ thực sự đến với ông Trần Văn Ba, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo khi ông tiếp cận với công nghệ sinh học trong chăn nuôi gà. Đàn gà của gia đình không sử dụng kháng sinh, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học. Nhờ đó, vật nuôi phát triển rất tốt, đặc biệt là môi trường chăn nuôi được cải tạo rất rõ rệt, chất lượng nông sản đã tạo nên sự khác biệt hẳn so với cách làm trước. Đây chính là minh chứng rõ nét về sự thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, chuyển hướng từ lượng sang chất.
Có thể nói, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đi đầu về các chính sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Sau 25 năm tái lập tỉnh, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển đúng định hướng và đạt kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo ổn định xã hội, các chỉ tiêu chính về nông nghiệp trong từng giai đoạn đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng từ 22,6 nghìn tấn năm 1997 lên 119,5 nghìn tấn năm 2021. Nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng như: Thiên ưu 8, TBR 225, HT1, DQ11, GS9 được đưa vào sản xuất đã đưa năng suất lúa từ 34,2 tạ/ha năm 1997 lên 60 tạ/ha năm 2021.
Sau 25 năm tái lập tỉnh, kinh tế nông nghiệp và cơ cấu kinh tế nông nghiệp Vĩnh Phúc đã có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng kinh tế hàng hóa và khai thác được những tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Sự chuyển biến này đã tạo động lực quan trọng để kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển, là cơ sở để Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục lãnh đạo đề ra những chủ trương, chính sách đưa kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển và đạt những thành tựu to lớn hơn./.
Đặng Thưởng