Theo chuyên gia thẩm mỹ, từ trước đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp biến chứng do bôi tê da khi làm đẹp nào dẫn đến mất mạng.
Mới đây, TPHCM liên tiếp xảy ra hai trường hợp tử vong sau khi làm đẹp ở các thẩm mỹ viện.
Gần nhất là trường hợp của cô gái tên U. (24 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) đến làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ D. trên đường Độc Lập, quận Tân Phú chiều 7/12. Theo thông tin ban đầu, khi đang bôi tê da vùng lưng, cô gái xuất hiện dấu hiệu co giật, khó thở và tím tái. Phía thẩm mỹ viện đã tiến hành xử trí sơ cứu, sau đó gọi xe đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115.
Tại đây, các bác sĩ xác định chị U. đã ngưng tim, ngưng thở từ trước. Dù ekip điều trị cố gắng cấp cứu, hồi sức tích cực, bệnh nhân không thể cứu chữa, với chẩn đoán ngưng tuần hoàn trên nền thực hiện thủ thuật thẩm mỹ có dùng thuốc tê.
Chia sẻ với PV Dân trí xoay quanh sự việc trên, một bác sĩ thẩm mỹ nội khoa có kinh nghiệm hơn 10 năm hành nghề tại TPHCM cho biết, bôi tê da thường được sử dụng trước khi thực hiện các kỹ thuật làm đẹp xâm lấn như tiêm filler, botox, làm PRP (trẻ hóa da). Phổ biến nhất là việc bôi tê da trong kỹ thuật peel da (lột da hóa học hay tẩy tế bào chết) - trào lưu thẩm mỹ thịnh hành trong giới trẻ.
Theo chuyên gia, người thực hiện kỹ thuật peel da sẽ sử dụng axit (như AHA, TCA) với một nồng độ nhất định. Khi da lưng của khách hàng dày quá, nồng độ axit dùng cao thì phải bôi tê da. Nếu bôi tê diện rộng (trên 30% diện tích da cơ thể) thì sẽ có nguy cơ thuốc ngấm vào máu, đi vào hệ tuần hoàn gây biến chứng.
Tuy nhiên, khả năng biến chứng nặng là không quá cao vì để thuốc tê bôi ngấm vào da phải trải qua một thời gian, lúc này độc tính của thuốc cũng giảm xuống.
Thay vào đó, bác sĩ cho rằng có một trường hợp khác dễ gây tai biến thẩm mỹ nặng hơn. Đó là việc sử dụng thuốc tê dạng truyền qua đường tĩnh mạch, khi khách hàng thực hiện tiêm filler. Với những người có cơ địa sốc thuốc tê, khi gây tê bằng đường tiêm sẽ có khả năng ngộ độc thuốc tê, sốc phản vệ cao hơn rất nhiều so với dạng bôi tê.
Theo bác sĩ, việc bôi tê da thường được chỉ định khi tiêm filler (Ảnh minh họa: MC).
Y văn thế giới từng ghi nhận một số trường hợp bôi tê để peel da toàn thân gặp biến chứng. Tuy nhiên tại Việt Nam, từ trước đến nay chưa ghi nhận trường hợp biến chứng do bôi tê da khi làm đẹp nào dẫn đến mất mạng mà thường là gây bỏng, dị ứng, lở loét da. Với trường hợp của chị U., cần phải chờ kết luận của hội đồng chuyên môn để biết chính xác nguyên nhân nạn nhân tử vong là gì.
Về việc có thông tin cho biết bệnh nhân gặp biến chứng khi trị mụn, chuyên gia cho rằng không hợp lý, vì trị mụn không có chỉ định phải bôi tê da.
Cũng theo bác sĩ, bôi tê da chống chỉ định cho bệnh nhân nhiễm trùng, đang bị viêm nhiễm bởi một bệnh lý nội khoa, sốt cao… Tuy nhiên, nếu việc làm đẹp do nhân viên ở thẩm mỹ viện và kể cả bác sĩ chưa có kinh nghiệm thực hiện, vấn đề kiểm tra thể trạng cụ thể của bệnh nhân thường bị bỏ qua, với suy nghĩ bôi tê chỉ là thủ thuật ngoài da, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Khi bệnh nhân gặp biến chứng sau gây tê, bác sĩ sẽ xử trí theo phát đồ sốc thuốc tê, tiêm truyền nhũ tương lipid 20% rồi đưa bệnh nhân đi bệnh viện cấp cứu.
Chuyên gia gửi lời khuyên cho người dân, trước khi thực hiện thủ thuật thẩm mỹ nào cần nói rõ với bác sĩ về thể trạng của mình, như có đang bị sốt không, cơ địa có dị ứng với thuốc, kháng sinh, có tiền sử dị ứng bỏng da khi bôi tê không...
Đặc biệt, bác sĩ phải là người có chứng chỉ hành nghề, có chuyên môn thực hiện.
Theo Hoàng Lê/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/co-gai-o-tphcm-tu-vong-sau-lam-dep-boi-te-da-co-de-gay-chet-nguoi-20211210113344128.htm