“Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Đó là câu nói trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, thể hiện vai trò và sức mạnh to lớn của nền văn hóa đối với quá trình phát triển của dân tộc, đặt ra nhiệm vụ bảo tồn và xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Nhận thức được ý nghĩa của việc bảo tồn các giá trị văn hóa nói chung và những di sản văn hóa của địa phương nói riêng, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản về việc truyền dạy trực tiếp hát Trống quân Đức Bác cho học sinh cấp Tiểu học và THCS tại xã Đức Bác, huyện Sông Lô - Quê hương của di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc này. Đây là việc làm thiết thực, góp phần phát huy giá trị và tạo nên sức sống bền vững cho di sản.
Theo các cụ cao tuổi trong làng, hát Trống quân Đức Bác đã có từ lâu với 3 làn điệu đặc trưng là hát đón đào, hát mó cá và hát đúm, thường được tổ chức tại đình làng vào dịp đầu năm để cầu cho mưa thuận gió hòa. Hát Trống quân vừa giản dị, vừa mộc mạc đời thường, nên được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, từ khi thực dân Pháp xâm lược, đình làng Đức Bác bị phá hủy, hát Trống quân từ đó cũng dần bị mai một và lãng quên. Sau hơn nửa thế kỷ thất truyền, đến nay, việc đưa làn điệu Trống quân Đức Bác vào giảng dạy tại các trường học được xem là một tín hiệu vui đối với công tác phục dựng và bảo tồn di sản văn hóa của Nhân dân.
Hát Trống quân chủ yếu là hát giao duyên nên khi đưa vào giảng dạy cho học sinh, các nhà trường đã chủ động phối hợp với các câu lạc bộ, các nghệ nhân hát Trống quân để soạn giảng những làn điệu dễ nhớ, dễ thuộc, lời hát gần gũi, trong sáng, phù hợp với lứa tuổi học trò. Trước mắt, việc dạy hát Trống quân Đức Bác sẽ bắt đầu được thực hiện từ học kỳ II năm học 2021-2022 đến hết năm học 2024-2025, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần tại địa phương.
Đưa di sản vào giảng dạy trong trường học gắn với phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” là một giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Trống quân Đức Bác. Qua đó, khơi dậy ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh trong quá trình gìn giữ, bảo tồn để di sản ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, có sức sống bền vững.
Việc lần đầu tiên đưa làn điệu hát Trống quân Đức Bác vào giảng dạy tại một số trường học trên địa bàn huyện Sông Lô với kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh đã cho thấy sự quan tâm và nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền trong việc bảo tồn và gìn giữ những di sản văn hóa của dân tộc. Mặt khác, đối với học sinh, các em sẽ được bổ trợ thêm kiến thức về nghệ thuật, xã hội và lịch sử, qua đó giúp hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp cho các em.
Chỉ hơn 1 tháng nữa các em học sinh Tiểu học và THCS ở xã Đức Bác sẽ lần đầu tiên được hát những làn điệu Trống quân của quê hương mình ngay trong các tiết học âm nhạc tại trường. Khi đó, các em sẽ không chỉ thuộc ca từ, giai điệu mà còn có thể hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của quê hương. Tuy nhiên, để di sản thực sự có sức sống bền vững thì không thể có một cách áp dụng máy móc mà cần phải được đặt trong bối cảnh nhà trường, chú ý đến các yếu tố như mục tiêu, nội dung giáo dục và đối tượng tham gia. Đặc biệt, phải gây dựng được tình cảm của học sinh đối với di sản để các em thực sự hiểu và yêu di sản. Đó mới chính là nguyên tắc bảo tồn bền vững nhất.
Phương Thúy