Cập nhật: 13/12/2021 07:30:00
Xem cỡ chữ

Việc bảo đảm sức khỏe cho người dân và các lực lượng đang ngày đêm bám biển lao động sản xuất và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương phải có sự quan tâm đặc biệt, nhất là đối với các Bộ ngành, địa phương có lực lượng công tác, hoạt động thường xuyên trên biển.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội thảo khoa học “30 năm kết hợp quân dân y trên biển, đảo”.  Ảnh: CPV

Đó là một trong những nội dung phát biểu của Thượng tướng Phạm Hoài Nam – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại Hội thảo khoa học “30 năm kết hợp quân dân y trên biển, đảo” diễn ra sáng ngày 10/12 tại TP Hồ Chí Minh.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam cho rằng, Hội thảo khoa học “30 năm kết hợp quân dân y trên biển, đảo” là một hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm đánh giá khẳng định ý nghĩa, những thành tựu, bài học kinh nghiệm trong công tác bảo đảm y tế, chăm sóc sức khoẻ cho Bộ đội và nhân dân trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Thượng tướng nhấn mạnh: Giữ vững, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ thiêng liêng, trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân và của toàn quân. Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo cơ bản, xuyên suốt quá trình phát triển của nền y tế cách mạng Việt Nam “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Những năm qua, lực lượng quân, dân y trong cả nước đã triển khai, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ, ngư dân công tác, lao động sản xuất đánh bắt trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, đã tạo niềm tin, điểm tựa vững chắc, để cán bộ, chiến sỹ và ngư dân yên tâm bám đảo, bám biển, góp phần thiết thực vào giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo Thượng tướng Phạm Hoài Nam, vùng biển nước ta rộng hơn 1 triệu km2, có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2.773 đảo ven bờ, 187 đảo xa bờ. Vì vậy, khu vực biển, đảo có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như quốc phòng - an ninh của đất nước. Những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển kinh tế biển, chăm lo đời sống của nhân dân, lực lượng vũ trang và các ngành đang công tác, làm việc trên khu vực biển, đảo. Việc bảo đảm sức khỏe cho người dân và các lực lượng đang ngày đêm bám biển lao động sản xuất và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đều phải có sự quan tâm đặc biệt, nhất là đối với các Bộ ngành, địa phương có lực lượng công tác, hoạt động thường xuyên trên biển.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam cho hay, thực hiện Chương trình kết hợp quân dân y, trong những năm qua, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương và chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền triển khai tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên tuyến biển, đảo. Chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ thống quân y phát huy vai trò là lực lượng xung kích trong việc thực hiện kết hợp quân - dân y chăm sóc sức khỏe nhân dân và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng, xây dựng “thế trận lòng dân trên biển” trong thế phòng thủ chung của cả nước. Mô hình y tế quân dân kết hợp thể hiện vai trò chủ động của lực lượng quân y trong phối hợp với y tế các địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội trên tuyến biển đảo của Tổ quốc, nhất là các đảo xa đất liền và ở trong những vùng có điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

“Là người trưởng thành từ Vùng 4 Hải quân đến cương vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng hiện nay, tôi trực tiếp được chứng kiến và theo dõi những đóng góp, phấn đấu bền bỉ của bao thế hệ quân y để chúng ta có một Trung tâm Y tế Trường Sa (TTYTTS) hiện đại như ngày nay. Tôi đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các đồng chí. Cùng với việc phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin và khả năng tổ chức, chỉ huy, điều hành và phối kết hợp... có thể nói TTYTTS không chỉ là niềm tự hào của Hải quân, của Quân đội mà còn là của tất cả chúng ta. Thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng, một lần nữa xin nhiệt liệt biểu dương các đồng chí”, Thượng tướng Phạm Hoài Nam chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Thượng tướng Phạm Hoài Nam, qua thực tiễn hoạt động còn một số bất cập do thiếu cơ chế liên kết giữa đội điều trị, bệnh xá quân y, bệnh xá dân y, các tổ quân y… Trang thiết bị y tế của nhiều trung tâm y tế quân dân y kết hợp còn chưa đầy đủ. Hơn nữa, điều kiện khí hậu biển, đảo tác động làm cho trang thiết bị, vật dụng y tế nhanh xuống cấp, hư hỏng. Việc thu hút cán bộ y tế, nhất là những bác sĩ có trình độ, tay nghề ra phục vụ tại vùng biển, đảo còn khó khăn do chế độ khuyến khích, động viên chưa đủ mạnh. Công tác nghiên cứu khoa học biển, nhất là nghiên cứu về các loại bệnh đặc thù vùng biển, đảo chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Từ những khó khăn, bất cập trên, Thượng tướng Phạm Hoài Nam khẳng định: Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 193/2016/TT-BQP về ban hành Quy chế tổ chức vận chuyển cấp cứu người bị thương, bị bệnh trên các vùng biển, đảo, vùng sâu, vùng xa bằng máy bay quân sự; giao Cục Cứu hộ Cứu nạn chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Quy chế các phương án phối hợp các đội tàu Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng với tàu tìm kiếm cứu nạn của các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải khu vực 1, 2, 3, 4 tham gia cấp cứu, vận chuyển nạn nhân trên tuyến biển, đảo; chỉ đạo lực lượng quân y duy trì đủ theo biên chế trên các tuyến đảo có cư dân và đảo không có cư dân, trên các phương tiện nổi, nhà giàn để sẵn sàng cứu chữa cho ngư dân; tăng cường kết hợp quân dân y chăm sóc sức khỏe cho cư dân trên đảo; Trên toàn tuyến biển, đảo, đã tổ chức cấp cứu cho trên hàng chục nghìn người dân trong đó có hàng ngàn người lượt nhân dân trên khu vực Quần đảo Trường Sa, DK1... Đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa, Bộ Quốc phòng đã điều động hàng trăm chuyến máy bay trực thăng vận chuyển người bị thương, bị bệnh trên tuyến biển, đảo về đất liền trong đó chủ yếu là ngư dân đang ngày đêm bám biển phát triển kinh tế xã hội và thực hiện chủ quyền quốc gia trên biển... 

Trước tình hình biển, đảo những năm gần đây diễn biến phức tạp, kể cả biển Đông và biển Tây tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, dịch bệnh diễn biến phức tạp, để cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ, nhân dân bám biển làm ăn, Thượng tướng Phạm Hoài Nam nêu rõ công tác bảo đảm y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Các đại biểu điều hành Hội thảo khoa học “30 năm kết hợp quân dân y trên biển, đảo” . Ảnh: CPV

Nghiên cứu xây dựng Bệnh viện Quân y 175 thành một trung tâm tầm khu vực và quốc tế

Do vậy, để tiếp tục phát huy thành quả, đề án kết hợp quân dân y trên biển, đảo và làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thực hiện nhiệm vụ, lao động sản xuất trên vùng biển đảo của Tổ quốc, Thượng tướng Phạm Hoài Nam – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh tập trung một số vấn đề sau:

Thứ nhất, xây dựng phát triển nguồn nhân lực y tế cả quân và dân y cho các vùng biển đảo, lực lượng quân y sẵn sàng đảm bảo y tế cho các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là các đảo xa bờ. Đầu tư xây dựng các trung tâm y tế hiện đại tại các đảo xa bờ theo các vùng như Vịnh Bắc Bộ, Quần đảo Trường Sa, Phú Quốc hoặc Thổ Chu. Tổ chức lực lượng, phương tiện cấp cứu đường không (trực thăng), đường biển (tàu quân y) hiện đại, sẵn sàng cơ động cấp cứu khi có tình huống xảy ra. Giao cho Bệnh viện Quân y 175 xây dựng trung tâm Cấp cứu đa năng, phát huy hiệu quả sân bay trực thăng thành sân bay lưỡng dụng phục vụ an ninh quốc phòng và dân sinh.

Thứ hai, tăng cường đầu tư nâng cấp, đổi mới trang thiết bị y tế cho các trung tâm y tế quân dân y kết hợp tại các vùng biển đảo; đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về y tế biển, đảo; củng cố và phát triển cơ sở y tế dự phòng; đầu tư trang thiết bị y tế, nhân lực, cơ sở hạ tầng cho các trung tâm tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển, đảo. Nghiên cứu xây dựng tại Bệnh viện Quân y 175 một trung tâm điều trị và nghiên cứu Y học biển tầm khu vực và quốc tế.

Thứ ba, đa dạng hoá các hình thức kết hợp, đầu tư nguồn lực (nhân lực và vật tư, tài chính, kể cả các hình thức xã hội hóa) có trọng tâm, trọng điểm, tránh hình thức; nhằm phát huy được cả sức mạnh của hệ thống y tế cả nước, trong đó lực lượng quân y làm nòng cốt, trong việc bảo đảm cấp cứu, vận chuyển trên biển, đảo; đặc biệt là khu vực Trường Sa, DK1 và vùng biển đảo xa bờ. Tổ chức tốt hợp tác quân y với các nước trong tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam nhấn mạnh: Cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên biển, đảo khẳng định vững chắc chỉ khi những người dân yên tâm bám biển, bám đảo, cán bộ, chiến sĩ quân đội và các lực lượng yên tâm làm nhiệm vụ ở trên từng hòn đảo nổi, đảo chìm và các vùng biển của Tổ quốc, đó mới là cột mốc chủ quyền sống.

“Chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho họ, để bà con thấy được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Quân đội, các cấp các ngành đối với những nơi đầu sóng ngọn gió, để bà con có niềm tin trong lao động, sản xuất, tiếp tục ngày đêm vươn khơi bám biển; để cán bộ, chiến sĩ yên tâm chắc tay súng, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - Thượng tướng Phạm Hoài Nam một lần nữa khẳng định./.

Theo Nhóm PV Ban Thời sự/dangcongsan.vn

https://dangcongsan.vn/thoi-su/chu-trong-cham-soc-suc-khoe-nguoi-dan-va-cac-luc-luong-dang-ngay-dem-bam-bien-599300.html