Ngày mai (14/12) sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây là dịp để nhìn lại và tiếp tục phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao hòa hiếu, giàu tính nhân văn của dân tộc.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan trao Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc với Tập đoàn SOJITZ và các đối tác
Phát huy mạnh mẽ tư duy đổi mới được khởi xướng từ Đại hội VI, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đối ngoại thời kỳ đổi mới và được nhận thức ngày càng sâu sắc. Đối ngoại luôn thực hiện nhiệm vụ bao trùm và thường xuyên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước. Từ chủ trương thêm bạn, bớt thù, Đảng đã phát triển thành hệ thống quan điểm, phương châm chỉ đạo xuyên suốt đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi mới là nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, nhưng linh hoạt, khôn khéo về sách lược. Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện gồm tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu và 17 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung và khép kín, đến nay Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có liên kết kinh tế sâu rộng, đã ký và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới; kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP, thu hút khoảng 400 tỷ USD vốn FDI đăng ký. Những thành tựu đối ngoại nói trên là kết tinh nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, là điểm sáng trong thành tựu chung của đất nước như Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, trong đó có đóng góp rất quan trọng của ngoại giao, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện thành tựu, bài học, thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới, Đại hội XIII tiếp tục kế thừa những nội dung xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng ta thời kỳ đổi mới, đồng thời phát triển và bổ sung nhiều nội dung mới để đối ngoại đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong đó khẳng đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trước hết và trên hết; đồng thời, chỉ ra nguyên tắc chung là phải luôn nỗ lực đạt được lợi ích quốc gia - dân tộc tới mức cao nhất có thể. Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, lần đầu tiên Đảng ta xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước; xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm.
Đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng ta thời kỳ đổi mới, là kim chỉ nam cho triển khai đối ngoại đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả trong thời gian tới. Với tỉnh Vĩnh Phúc, hoạt động đối ngoại được quan tâm được triển khai trên tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII trên cả ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Các hoạt động này đã góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh, địa phương của các nước đồng thời thu hút các doanh nghiệp FDI đến đầu tư tại tỉnh. Dấu ấn trong năm 2021, Vĩnh Phúc đã triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại, trong đó có chuyến công tác Nhật Bản của đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh và Đoàn Công tác tỉnh Vĩnh Phúc tháp tùng Thủ tướng Chính phủ đã thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về ngoại giao Nhân dân, thu hút xúc tiến đầu tư của Vĩnh Phúc trong thời gian tới, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về đối ngoại và ngoại giao Nhân dân./.
Ngọc Anh