Cập nhật: 22/12/2021 08:13:00
Xem cỡ chữ

Rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân dãy núi Slam Cao, thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập.

Những ngày này, đến với rừng Trần Hưng Đạo, du khách đã có thể đi trên con đường mới được trải asphalt phẳng phiu, nối từ thị trấn Nguyên Bình đến thẳng khu di tích. Cách rừng Trần Hưng Đạo chừng 2km, địa phương cũng đã cho xây dựng điểm dừng chân để du khách có thể ngắm dãy núi Mào Gà hùng vĩ. Vừa được tìm hiểu lịch sử, du khách vừa có được những tấm ảnh đẹp với phong cảnh núi rừng… Đây là những nỗ lực của địa phương nhằm cụ thể hóa mục tiêu đưa di tích rừng Trần Hưng Đạo trở thành một trong những điểm nhấn cho hành trình trải nghiệm Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

Di tích rừng Trần Hưng Đạo trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống.

Di tích rừng Trần Hưng Đạo trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống.

Ông Đào Nguyên Phong - Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết: "Huyện xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đó là tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời xây dựng một tuyến du lịch, từ rừng Trần Hưng Đạo kết nối với các điểm du lịch của huyện và của tỉnh. Từ rừng Trần Hưng Đạo có thể đến điểm du lịch rừng trúc, rồi sang tham quan khu vực nhà trình tường, sau đó lên đỉnh Phia Oắc – Phia Đén, dừng chân nghỉ, tham quan tại khu du lịch Kolia. Sau đó du khách có thể tiếp tục hành trình tới các điểm du lịch của tỉnh như về Pác Bó, thác Bản Giốc hay di tích chiến thắng Đông Khê".

Cùng với nâng cấp tuyến đường từ thị trấn Nguyên Bình đến Rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư tuyến giao thông quốc lộ 34, qua xã Phan Thanh - Khu du lịch Phja Oắc,  Phja Đén, xã Thành Công đến xã Hưng Đạo. Mới đây, Bộ Quốc phòng đã quyết định đầu tư, tôn tạo và nâng cấp nhiều hạng mục quan trọng trong khu di tích này. Trong đó có thể kể đến như cải tạo đồn Phai Khắt, tôn tạo đồn Nà Ngần, nơi ghi dấu những chiến công đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; nâng cấp lối vào nhà bia và đường lên đỉnh Slam Cao; cải tạo, nâng cấp bức phù điêu 34 chiến sỹ trong Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân… Các hạng mục công trình sẽ được khởi công từ tháng 2/2022 và hoàn thành trong năm 2024.

Dấu tích nơi diễn ra lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sẽ được tôn tạo, nâng cấp.

Dấu tích nơi diễn ra lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sẽ được tôn tạo, nâng cấp.

Đến với Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, du khách không chỉ được tìm hiểu truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà còn được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh có diện tích rộng trên 200 ha. Khu rừng vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ với những tán cổ thụ rêu phong và bầu không khí trong lành mát mẻ. Lợi thế phong cảnh núi rừng hùng vĩ, các bản làng còn mang đậm nét đặc trưng văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số tạo điều kiện phát triển du lịch lịch sử, gắn với du lịch sinh thái cộng đồng.

Ông Nông Đình Chiến, người dân Bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình chia sẻ: "Tiềm năng du lịch thì rất lớn, bà con mong muốn Nhà nước giúp người dân phát triển theo hướng này. Ví dụ như giúp xây dựng, tôn tạo khu vực bờ sông cạnh rừng Trần Hưng Đạo thành một công viên hay khu gì đó gắn với khu rừng, tạo thêm môi trường sinh thái, du lịch để vừa làm đẹp cảnh quan, vừa tăng thu nhập cho bà con".

Trong những năm qua, nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa được tổ chức với sự tham dự của người dân địa phương như ngày hội văn hóa dân tộc, tổ chức đua xe đạp về nguồn… Cao Bằng xác định mục tiêu phát triển du lịch lịch sử gắn với du lịch cộng đồng là định hướng đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương.

Đến với di tích rừng Trần Hưng Đạo, du khách được hòa mình vào thiên nhiên dưới những tán cổ thụ trăm tuổi.

Đến với di tích rừng Trần Hưng Đạo, du khách được hòa mình vào thiên nhiên dưới những tán cổ thụ trăm tuổi.

Ông Trương Thế Vinh - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Cao Bằng nói: “Khi xây dựng Công viên địa chất toàn cầu, chúng tôi đều đưa các di tích, đặc biệt là di tích lịch sử quốc gia, trong đó có rừng Trần Hưng Đạo trở thành điểm, tuyến của công viên địa chất, và xây dựng nơi đó thành điểm nhấn trên toàn bộ hệ thống tuyến du lịch. Đối với phát triển du lịch cộng đồng, đây là định hướng lớn và tỉnh cũng rất quan tâm về hướng đi này. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang tham mưu xây dựng một nghị quyết về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Cao Bằng”./.

Theo Công Luận/VOV-Đông Bắc

 https://vov.vn/du-lich/dua-rung-tran-hung-dao-thanh-dia-chi-do-tren-hanh-trinh-du-lich-post913041.vov