Cập nhật: 23/12/2021 09:20:00
Xem cỡ chữ

Phát huy truyền thống quê hương “khoán hộ”, kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, Vĩnh Phúc luôn chú trọng xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, đa dạng với cơ cấu hợp lý, gắn liền với thị trường. Từ những chủ trương sát đúng, sáng tạo và khoa học cùng sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp cùng sự vào cuộc tích cực của người dân đã giúp khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, đưa nền nông nghiệp Vĩnh Phúc có những bước chuyển biến mạnh mẽ sau một phần tư thế kỷ đầy nỗ lực.

Vài năm trở lại đây, gia đình bà Vũ Thị Tĩnh, thôn 6, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc chuyển đổi 3 sào đất trồng lúa sang trồng ngô sinh khối. Theo bà Tĩnh, trồng ngô sinh khối có thuận lợi là rút ngắn thời gian, mỗi vụ chỉ mất khoảng 70 ngày, không phải quá lo lắng về thời tiết, bệnh hại làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng ngô hạt, lại tăng hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập cho người trồng. Đây cũng là một trong những hướng đi lớn của nông nghiệp Vĩnh Phúc để tạo ra sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong bức tranh nông nghiệp là việc áp dụng cơ giới hóa ở hầu hết các khâu trong sản xuất, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, gieo trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 - 4 lần so với cây trồng truyền thống; nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng như: Thiên ưu 8, RVT, HT1, TH3-3, DQ11, TBR 225 … được đưa vào sản xuất giúp năng suất lúa tăng từ 34,2 tạ/ha năm 1997 lên 60 tạ/ha năm 2021. Vĩnh Phúc bước đầu đã có những sản phẩm nông sản mang thương hiệu đặc trưng riêng như: Thanh long ruột đỏ, ớt quả, dưa chuột, su su, chuối tiêu hồng vươn xa ra thị trường thế giới.

Hiện chăn nuôi lợn và gia cầm đã phát triển mạnh theo hướng công nghiệp, từng bước khẳng định là ngành sản xuất chính, giải quyết việc làm, đem lại giá trị thu nhập cao cho nông dân, góp phần quan trọng trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn như: Chăn nuôi lợn ở Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm ở Tam Dương, Tam Đảo; chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo... Nếu như năm 1997, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn tỉnh đạt 22.600 tấn thì đến năm 2021 đã đạt trên 119.500 tấn. Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thủy sản cũng đã tăng từ 2.600 ha năm 1997 lên 6.430 ha năm 2021 với nhiều mô hình điển hình nuôi trồng thủy sản cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha, gấp 2 - 3 lần so với mô hình truyền thống theo phương thức quảng canh trước đây.

Sau 25 năm tái lập tỉnh, nông nghiệp Vĩnh Phúc đã khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế chung của tỉnh với giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 1997 - 2021 tăng 5,1%/năm; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 155 triệu đồng/ha/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với năm 1997; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 50 triệu đồng/người. Nhiều năm liền, Vĩnh Phúc luôn giữ vững vị trí là một trong những tỉnh dẫn đầu miền Bắc về sản xuất 3 vụ ổn định trong năm, riêng vụ Đông là vụ sản xuất hàng hóa cho năng suất và giá trị kinh tế cao./.

Đặng Thưởng