Chiều 23/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới thăm, làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cần tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn, trong đó cần đẩy nhanh xây dựng chính quyền số và quản lý xã hội, phát triển kinh tế số.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Cùng dự có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao; lãnh đạo các cơ quan các cơ quan Trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan phát biểu báo cáo tại buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết: Kinh tế của tỉnh luôn đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao, bình quân giai đoạn 1997-2021 tăng 13,42%/năm. Sau 25 năm tái lập, quy mô nền kinh tế Vĩnh Phúc đã tăng 70 lần. GRDP bình quân đầu năm 2021 đạt 114,3 triệu đồng (khoảng 4.800 USD). Vĩnh Phúc nằm trong nhóm các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất cả nước. Năm 2021 mặc dù tác động của đại dịch Covid-19, nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng. Thu hút đầu tư trở thành “điểm sáng” của cả nước với 429 dự án FDI. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 36 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 5/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...
Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Khi mới tái lập, tỉnh có 474 tổ chức cơ sở đảng với 37 nghìn đảng viên, đến nay Đảng bộ tỉnh có 598 tổ chức cơ sở đảng, với hơn 70 nghìn đảng viên. Năng lực lãnh đạo của các cấp ủy ngày càng nâng cao. Tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện khâu đột phá về công tác tổ chức cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bắt đầu từ năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thí điểm giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho bí thư, chủ tịch các huyện, thành ủy và lãnh đạo một số sở, ngành; trên cơ sở đó thực hiện đánh giá cán bộ bằng sản phẩm.
Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng về thăm và làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc đúng dịp tỉnh đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh (1/1/1997-1/1/2022) và chứng kiến sự phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc hôm nay. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đạt được trong thời gian qua rất đáng tự hào, tạo chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước, là tiền đề để Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao quà cho tỉnh Vĩnh Phúc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trong 25 năm qua.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ tỉnh; tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hội nghị chuyên đề; các văn bản của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư…
Tỉnh cần tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp; tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Vĩnh Phúc cần đẩy nhanh xây dựng chính quyền số và quản lý xã hội, phát triển kinh tế số. Tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp để công nghiệp thật sự trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển của tỉnh; đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp chủ lực, ưu tiên phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp điện tử, cơ khí, chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Cùng với đó, tỉnh cần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế, quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc lưu ý tới những chương trình hoạt động của Quốc hội, nhất là 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022; rà soát toàn bộ những phần việc liên quan tới Vĩnh Phúc, nhất là những vấn đề liên quan tới đất đai, tài nguyên, khoáng sản…
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng, tận dụng thời cơ, phát huy lợi thế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tế, sớm hoàn thành mục tiêu đưa Vĩnh Phúc thành tỉnh công nghiệp phát triển, thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao so với cả nước; đến năm 2030 là tỉnh phát triển toàn diện, đủ tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố phát triển toàn diện trên các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; dựa trên nền kinh tế số, kinh tế tri thức; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống.
* Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh dự lễ khởi công dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc.
Dự án có quy mô hơn 83 ha, tổng vốn đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530 nghìn TEU/năm, nằm trên địa bàn thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, do Công ty cổ phần T&Y Superport Vĩnh Phúc (liên danh Tập đoàn T&T Group và đối tác Singapore là Tập đoàn YCH và Công ty YCH Holdings) làm chủ đầu tư. Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc ứng dụng công nghệ IOT hiện đại hàng đầu thế giới như dùng robot để tự động hóa trong kho hàng cùng hệ thống điều khiển bằng máy tính điện tử hiện đại. Lịch trình, thông tin của các container đến, đi khỏi trung tâm sẽ được số hóa và được gửi tới trung tâm điều khiển tại trung tâm bằng các mạng thông tin hiện có. Theo kế hoạch, dự án sẽ đưa vào vận hành khai thác giai đoạn 1 từ quý III/2022; hoàn thiện đầu tư xây dựng và đưa giai đoạn 2 vào vận hành từ quý I/2023 đến quý IV/2024.
Nhân dịp này, Tập đoàn T&T tặng tỉnh Vĩnh Phúc 100 nghìn kit xét nghiệm Covid-19.
* Cũng trong chiều 23/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Tổ hợp Khách sạn và Trung tâm Hội nghị quốc tế FLC Vĩnh Phúc.
Tổ hợp Khách sạn và Trung tâm Hội nghị quốc tế FLC Vĩnh Phúc có sức chứa 2 nghìn khách và hợp phần khách sạn 5 sao là một trong những công trình hội nghị có quy mô hàng đầu miền bắc. Trung tâm Hội nghị quốc tế được thiết kế theo phong cách tân cổ điển sang trọng, bao gồm 1 phòng hội nghị lớn, 6 phòng họp đa năng và các phân khu nghỉ ngơi, giải trí, ẩm thực đa dạng với tổng sức chứa trên 2 nghìn khách, diện tích sàn gần 16 nghìn m2. Công trình nằm trong tổng thể các dự án nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp đang được triển khai tại tỉnh Vĩnh Phúc, trở thành động lực để thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch dịch vụ.
Theo Tin: HÀ HỒNG HÀ; ảnh: DUY LINH/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/vinh-phuc-can-day-nhanh-xay-dung-chinh-quyen-so-va-quan-ly-xa-hoi-phat-trien-kinh-te-so-679563/