Cập nhật: 26/12/2021 09:04:00
Xem cỡ chữ

Song song với việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, ngay sau khi tái lập tỉnh năm 1997, Vĩnh Phúc đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch tích cực sau 25 năm tái lập tỉnh.

Với chủ trương lấy công nghiệp làm nền tảng, tạo động lực chính cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Những năm qua, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Nhờ đó, trong suốt những năm qua, khu vực công nghiệp và xây dựng luôn giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Ước năm 2021, tỷ trọng khu vực này chiếm đến 63,74% tổng giá trị tăng thêm của ba khu vực kinh tế, trong khi đó, năm 1997 tỷ trọng khu vực này chỉ chiếm 18,4%, hai khu vực kinh tế còn lại là dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản đều theo hướng giảm, trong đó: Khu vực dịch vụ giảm từ 36,48% năm 1997 xuống 28,43% và khu vực nông, lâm thủy sản giảm từ mức 45,13% năm 1997 xuống còn 7,83% tổng giá trị tăng thêm các ngành kinh tế năm 2021.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực không chỉ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh mà còn tạo điều kiện quan trọng để tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, chất lượng, tăng thêm sức cạnh tranh và khả năng thích ứng của nền kinh tế trong tình hình mới.

Hải Đăng