Cập nhật: 27/12/2021 07:48:00
Xem cỡ chữ

Trong khi các đơn vị tàu thuộc Lữ đoàn 161 và Lữ đoàn 172 lướt sóng ra khơi bảo vệ chủ quyền biển, đảo thì cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 351 lại căng mắt trên màn huỳnh quang ra-đa 24/24 giờ để quan sát, phát hiện mục tiêu.

Phần lớn các trạm đóng quân nơi núi cao, đảo xa, điều kiện đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ trung đoàn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, làm chủ vũ khí, trang bị; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu “nhanh, xa, đúng, đủ, chính xác, kịp thời”, xứng đáng là “mắt thần” giữ biển miền Trung. Năm 2021, trung đoàn được Quân chủng Hải quân tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng"...

Như cây phong ba trên “đảo thép”

Tàu 628 kéo một hồi còi dài rồi thả neo. Cuối năm, chim én bay về rợp trời Cồn Cỏ. Đường lên Trạm Ra-đa 540 non nửa cây số, nhưng chúng tôi thấy thấm mệt, chỉ có các chiến sĩ ra-đa là khỏe như vâm. Họ không chỉ vận chuyển toàn bộ số hàng từ đất liền ra đảo mà còn có thể khuân thêm hành lý cho mọi người.

Lòng mến khách của đảo còn được biểu hiện bằng việc Thiếu tá, Trạm trưởng Nguyễn Ngọc Thái ra tận âu thuyền đón đoàn. Thấy vậy, Kim Ngân-nữ phóng viên tập sự của Ban đại diện Báo QĐND tại miền Trung-Tây Nguyên cảm động nói: “Trước đây, em chỉ biết Cồn Cỏ qua sách báo, ra đây mới hiểu tình đất, tình người giữ đảo!”. 

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thái đỡ lời: “Em mới ra nên trông vậy thôi, chứ ở đây khắc nghiệt lắm. Mùa hạ, giếng khoan khô cạn nước, lính đảo đánh răng, rửa mặt dè sẻn từng ca nhỏ. Đông về, rét run người, se tím làn môi”.

Bài 2: “Mắt thần” giữ biển miền Trung

Trạm Ra-đa 545 thực hành huấn luyện trạm ra-đa dự bị. 

Gần gũi với người chiến sĩ, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của họ, chúng tôi mới thấy được khó khăn, vất vả của lính đảo chứ không như cảm nhận ban đầu... Hiện nay, trên đảo vẫn chưa có điện lưới quốc gia, điện máy nổ chỉ đủ phục vụ cho ra-đa trực canh, thỉnh thoảng mới có điện thắp sáng vào dịp lễ, Tết. Ở đây, bộ đội còn “đói” cả thông tin, vì mỗi ngày, họ chỉ được xem chương trình thời sự qua ti vi vào buổi tối, báo chí thì một tuần mới có một lần do tàu chở từ đất liền ra, nếu gặp bão gió thì phải mất cả tháng.

Dẫu cuộc sống còn nhiều gian khổ nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị vẫn vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mật độ huấn luyện dày đặc, nhiệm vụ trực canh căng thẳng, nhưng không ai thoái thác. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy trạm thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng, triển khai tốt công tác giáo dục chính trị, xây dựng ý chí quyết tâm; quán triệt và tổ chức chặt chẽ việc quản lý vùng biển được phân công phụ trách.

Ra-đa tăng cường theo dõi hàng trăm lượt tàu cá nước ngoài hoạt động trong khu vực. Tổng số mục tiêu quan sát ra-đa và quan sát mắt là hàng chục nghìn lần chiếc tàu các loại...

Khó có thể nói hết ân tình của những chiến sĩ “gánh việc quân, lo việc dân” trên mảnh đất một thời được ví là “đảo thép” kiên trung, bất khuất, được Bác Hồ gửi thư khen “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận, đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”.

Tuy Cồn Cỏ đã trở thành huyện đảo song nhìn chung, hạ tầng cơ sở còn bất cập, đời sống kinh tế vẫn nhiều khó khăn, thiên tai, bão gió lại thường xuyên đe dọa. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 540 phải thường xuyên sát cánh với chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng, bảo vệ đảo ngày càng thêm tươi đẹp.

Đại úy Lê Đình Hướng, Chính trị viên Trạm Ra-đa 540 tâm sự: “Riêng năm 2021, đơn vị huy động hơn 200 lượt cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện giúp bà con sửa chữa nhà trẻ Hoa Phong Ba và nhiều ngôi nhà ở làng thanh niên lập nghiệp.

Trong gió bão, chúng tôi lại choàng áo mưa, bất chấp hiểm nguy hướng dẫn, kêu gọi hàng trăm tàu cá ngư dân về khu neo đậu an toàn. Những tháng cuối năm, biển động dữ dội, gần một tháng trời, tàu không thể vận chuyển được lương thực, thực phẩm ra đảo, chúng tôi đã bớt khẩu phần ăn của mình hỗ trợ các gia đình ngư dân trên đảo...".

Gắn bó với đơn vị, coi đơn vị là nhà, đảo là quê hương nên ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 540 lại cùng nhau làm đẹp doanh trại. Đôi bàn tay tài hoa của những “nghệ nhân-chiến sĩ” đã tạo nên những hòn non bộ, vườn hoa, khuôn viên văn hóa giữa khơi xa. Có thể nói, những không gian “làng” trên đảo với hình ảnh cánh cò, đàn bò gặm cỏ, giàn bầu, bí, tiếng gà gáy, tiếng chim kêu... khiến mỗi người vơi bớt nỗi nhớ nhà, quê hương. Không gian ấy làm cho đảo xa gần với đất liền.

Đêm cuối trước khi rời Cồn Cỏ, tôi cứ trằn trọc mãi không ngủ được. Đêm càng về khuya, tiếng ghi ta bập bùng của Lê Đình Hướng, câu hát thiết tha về đảo của Phó trạm trưởng Nguyễn Sư Tùng như càng thêm bay bổng, vang xa: “Tuổi thơ ta đã đi qua, tiếp bước cha anh ra nơi đảo nhỏ... mặt trời nắng đỏ, bát canh còng gió giữa vùng biển xa...”. 

Hoa “sống đời” trên đỉnh núi

Xế trưa nhưng sương mù vẫn còn dày đặc, phủ kín cả vùng bán đảo. Đường lên “cổng trời” dốc núi quanh co, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi cheo leo. Vừa đi, vừa thở nhưng chị Đặng Thị Nhật Thương (người yêu của Thiếu úy QNCN Đỗ Xuân Phú, nhân viên ra-đa) vẫn thủ thỉ: “Rứa mà em cứ tưởng lính thủy ở biển, đảo. Ai ngờ các anh còn ở cả trên đỉnh núi”.

Nghe Nhật Thương nói vậy, Thiếu úy QNCN Đỗ Xuân Phú cười vui: “Vài tiếng nữa lên tới nơi, chắc gì em đã muốn về”. Thương nũng nịu: “Còn lâu nhá!”. Cứ thế, đôi bạn trẻ “lời qua, tiếng lại”, tiếng cười giòn tan vách núi.

Sau gần hai giờ vượt dốc, chúng tôi mới lên tới Trạm Ra-đa 545. Khung cảnh gần gũi, thân thương đến lạ kỳ. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là loài cây đặc trưng của lính ra-đa, đó là cây “sống đời”, dân gian gọi là cây lá bỏng. Tiết trời cuối năm, sương muối dày đặc khiến các loại cây cối, rau màu đều khô héo.

Vậy mà kỳ diệu thay, loài cây “sống đời” vẫn xanh tươi. Những cánh hoa màu tím nhỏ li ti, khiêm nhường nép mình trên màu lá xanh tạo nên sự gần gũi, ấm cúng giữa thiên nhiên với con người. Phải chăng, cũng giống như loài cây “sống đời”, giữa sự khắc nghiệt của thiên nhiên, giữa khó khăn gian khổ, người lính ra-đa vẫn kiên cường bám trụ...

Thiếu tá, Trạm trưởng Phạm Văn Nam tâm sự: “Lính ra-đa có đặc thù, tiếng là lính thủy nhưng lại ở rừng. Trong khi đồng đội ở đơn vị tàu lướt sóng ra khơi thì chúng tôi lại căng mắt trên màn huỳnh quang ra-đa 24/24 giờ để quan sát, phát hiện mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ không được phép lơ là, mất cảnh giác, dù chỉ một phút.

Nhiệm vụ khó khăn là vậy nhưng hằng năm, đơn vị luôn duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; kịp thời phát hiện, theo dõi và báo cáo thường xuyên tình hình trên vùng biển được phân công phụ trách. Giữa sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đối mặt với bao khó khăn, gian khổ, nhưng người chiến sĩ ra-đa vẫn luôn kiên cường bám trụ...”.

Tiếp xúc với cánh lính trẻ, tôi phần nào hiểu thêm về cuộc sống của họ... So với những đơn vị nơi đảo xa, cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 545 đỡ vất vả hơn, nhưng không phải là đã hết những khó khăn, thiếu thốn. Chỉ cách khu vực dân cư chừng 10km đường chim bay, vậy mà thực phẩm phải chuẩn bị dự trữ cả tuần.

Bộ đội vẫn thiếu nước ngọt và rau xanh. Muốn mua hàng hóa, bộ phận tiếp phẩm phải băng rừng hành quân bộ cả ngày với 30km đường đèo dốc nguy hiểm. Những năm gần đây, vùng và đơn vị đầu tư mua xe gắn máy để phục vụ công tác tiếp phẩm, nhưng cũng chỉ chạy được mươi chuyến là xe hỏng máy vì dốc cao, đường xấu...

Trò chuyện với những chiến sĩ ra-đa trên đỉnh Sơn Trà, tôi còn biết thêm sự khó khăn mang tính đặc thù của họ. Đóng quân trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa, trước mặt là cuộc sống sầm uất của thành phố, sau lưng là khu du lịch biển ồn ào, náo nhiệt. Chiều thứ bảy, chủ nhật, đứng trên đài canh chứng kiến cuộc sống sầm uất của người dân thành phố, làm sao các anh không khỏi chạnh lòng.

Đại úy QNCN Nguyễn Chí Công, ngành trưởng ra-đa (người có thâm niên 27 năm trên đỉnh Sơn Trà), tâm sự: “Gia đình em hiện ở xã Diễn Hải (Diễn Châu, Nghệ An) nhưng mấy khi được đón Tết cùng vợ con đâu. Vì nhiệm vụ, với lại mình cũng phải làm gương cho lớp trẻ”.

Tạm biệt Cao điểm 696 trong chiều đông dùng dằng, quyến luyến. Tôi và các chiến sĩ chỉ đứng cách nhau chừng 5-7 mét nhưng chẳng nhìn rõ mặt vì sương mù giăng kín. Giữa mùa giá lạnh tê tái thịt da, bên chiến hào, cánh sóng ra-đa vẫn vươn cao. Sự bình yên của biển, đảo, sự vĩnh hằng của thời gian đã chắp cánh cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Ra-đa 351 vững tin xây đắp truyền thống “Đoàn kết hiệp đồng, khắc phục khó khăn, bám trạm bám đài, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, xứng đáng là “mắt thần” giữ biển miền Trung.

(còn nữa)

Theo Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-2-mat-than-giu-bien-mien-trung-680888