Với mục đích bảo vệ môi trường sinh thái quần đảo Cát Bà, ngày 12/8/2021, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã thông qua Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND hỗ trợ thực hiện tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải.
Chủ trương của thành phố được bà con ủng hộ. Tuy nhiên, sau gần 4 tháng triển khai, tiến độ di dời chậm do lượng thủy sản nhiều và khó tiêu thụ.
Hiện nay trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản, với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790 m2 giàn nuôi nhuyễn thể. Ảnh tư liệu: TTXVN
Theo UBND huyện Cát Hải, hiện có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790 m2 giàn nuôi nhuyễn thể đang nuôi tập trung tại các vịnh Cát Bà, Lan Hạ, Bến Bèo, Trà Báu và Gia Luận. Tổng khối lượng sản phẩm cá hiện tại trên vịnh cần hỗ trợ thu mua trên 2.200 tấn, tổng khối lượng nhuyễn thể hơn 4.200 tấn. Theo Nghị quyết 05/2021/NQ-HĐND, mức hỗ trợ là 19,858 triệu đồng/nhà chòi, 4,836 triệu đồng/ô lồng nuôi cá, đối với giàn nuôi nhuyễn thể là 89 nghìn đồng/m².
Ông Bùi Văn Luyện, hộ nuôi trồng thủy sản tại khu vực Bến Bèo chia sẻ, gia đình ông có 210 lồng và một nhà chòi. Từ nhiều năm nay, gia đình tập trung nuôi cá Song. Hiện cả bè có khoảng 150 tấn. Để sớm di dời được số lồng bè này, ông Luyện cũng như các hộ khác mong muốn được thành phố, huyện Cát Hải tạo điều kiện tiêu thụ hết lượng thủy sản. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, "đầu ra" của các loại thủy sản nói chung đều rất khó khăn. Đã 4 tháng nay, gia đình mới tiêu thụ được khoảng 10 tấn. Hiện gia đình đang bán loại cá Song Dầu giá tầm 180 nghìn đồng/kg, cá Song Hổ giá 160 nghìn đồng/kg.
Cũng chung hoàn cảnh như gia đình ông Luyện, hộ ông Đỗ Văn Toan hiện có 165 lồng với hơn 70 tấn cá các loại Song, Chim, Sủ... Ông Toan có phần phấn khởi hơn khi Công ty Trách nhiệm hữu hạn OLIVE (địa chỉ ở tầng 5, tòa nhà Intracom, 33 Cầu Diễn, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm từ tháng 9 đến nay. Mỗi tuần Công ty đặt hàng từ 1 - 1,5 tạ cá Sủ để đưa vào chế biến cho công nhân ăn. Tuy nhiên, ông Toan chia sẻ, lượng cá bán ra chậm, không bằng lượng cá lớn lên mỗi ngày.
Để hỗ trợ bà con tiêu thụ thủy sản, UBND huyện Cát Hải đã phân công nhiều tổ công tác tìm "đầu ra". Theo số liệu thống kê đến ngày 15/12 của UBND huyện Cát Hải, thông qua sự phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, Công ty LG Electronics An Dương, Hải Phòng, Đảng ủy Khối doanh nghiệp thành phố... đã có 141 đơn vị, tổ chức trong và ngoài huyện tham gia tiêu thụ hơn 62 tấn cá các loại. Nhân dân tự tiêu thụ được 100 tấn.
Ông Phùng Quang Tuyền, Phó Giám đốc Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà chia sẻ, việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản là bài toán lớn nhất đặt ra với không chỉ huyện Cát Hải mà với các hộ nuôi trồng thủy sản trên Vịnh trong quá trình tháo dỡ các ô lồng, bè, thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng. Hi vọng thời gian tới, vào dịp Tết, sức mua của thị trường sẽ tăng hơn để giúp bà con tiêu thụ được nhiều sản phẩm hơn. Rất mong các đơn vị, tổ chức trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng như các địa phương lân cận ủng hộ bà con.
Báo cáo của UBND huyện Cát Hải cho biết, đến ngày 22/12, đã có 51 hộ tháo dỡ hoàn toàn và 12 cơ sở tháo dỡ một phần. Dự kiến đến hết năm 2021, huyện sẽ hoàn thành tháo dỡ 86 cơ sở và thực hiện 100% di dời các cơ sở theo quy định vào cuối năm 2022.
Theo Hoàng Ngọc (TTXVN)
https://baotintuc.vn/bien-dao-viet-nam/ho-tro-nguoi-dan-thao-do-cac-co-so-nuoi-trong-thuy-san-o-cat-ba-20211224134147300.htm