Cập nhật: 28/12/2021 08:50:00
Xem cỡ chữ

Trong 25 năm qua, các phong trào thi đua của Hội Nông dân tỉnh được phát động sôi nổi gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương. Các phong trào thi đua đã có sự đổi mới về hình thức và nội dung và nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và Nhân dân, tạo động lực tinh thần to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Sau khi rời quân ngũ, năm 1986, ông Đỗ Văn Quyền ở xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch được giao đất để trồng cây phủ trống đồi núi trọc. Thời gian đầu, xác định phải "an cư" thì mới "lập nghiệp", ông Quyền đã dựng ngôi nhà gỗ 3 gian lợp lá để làm chỗ ở cho cả gia đình. Sau đó, đến năm 1990, gia đình ông đầu tư mua thêm đất của người dân trên địa bàn để mở rộng trồng trọt kết hợp chăn nuôi.

Những ngày đầu mới bắt tay vào làm nông nghiệp, bản thân ông và các thành viên trong gia đình đều rất bỡ ngỡ. Thế nhưng, quyết không nản chí, ông Quyền đã tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các hộ trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn và tích cực tham gia các khóa tập huấn, đồng thời kiên trì áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, mô hình chăn nuôi, trồng trọt của gia đình ông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện tại, với diện tích gần 10 ha đất, ông Quyền chủ yếu trồng thanh long ruột đỏ, nhãn, chăn nuôi lợn. Ngoài ra, còn trồng một số cây lấy gỗ như cây sưa, bạch đàn, nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, để mùa nào, tháng nào trong năm cũng có cây trồng, không để diện tích đất bị trống.

Ông Quyền chỉ là 1 trong hàng trăm nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi, dám nghĩ dám làm của tỉnh Vĩnh Phúc. Chặng đường 25 năm sau ngày tái lập tỉnh, với sự vào cuộc của các cấp Hội, sự nỗ lực cố gắng vươn lên của hội viên Nông dân trong tỉnh, phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng phát triển; nhiều hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục, hàng trăm lao động, thu nhập hằng năm từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 38.000 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân Việt Nam, đại diện cho những người nông dân Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Năm 2021 là một năm nhiều khó khăn, thách thức đối với nông dân trong tỉnh khi phải đối mặt với tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất. Thế nhưng đây cũng là năm tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của nông dân trong cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng khi nước ta đã mở rộng hội nhập quốc tế, qua đó mở ra nhiều cơ hội để người nông dân có thể tiếp cận sâu rộng hơn với tiến bộ khoa học-kỹ thuật, áp dụng công nghệ vào sản xuất; lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh./.

Thu Thủy