Nhịp thở tăng lên, oxy trong máu giảm, thở hụt hơi, đau tức ngực thường xuyên hay trẻ ăn kém, nôn, sốt cao… là những dấu hiệu F0 điều trị tại nhà cần lưu ý để báo ngay với cán bộ y tế
Theo TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), khuyến cáo, khi mắc Covid-19, việc đầu tiên là người bệnh cần thật bình tĩnh, cố gắng theo dõi sức khỏe của mình. Cụ thể là đo nhiệt độ xem có sốt không, đồng thời theo dõi các triệu chứng khác như mệt mỏi, vấn đề ăn uống, dấu của tiêu chảy, nôn trớ…
Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mà chủ yếu điều trị triệu chứng như giảm ho, hạ sốt… Trong quá trình cách ly, để tăng cường miễn dịch, bệnh nhân cố gắng ăn uống đảm bảo đủ chất, đủ vitamin (có thể uống bổ sung một số loại vitamin như vitamin C, B, PP…), uống nhiều nước, giữ vệ sinh thân thể (răng miệng…). Người bệnh có thể tập các động tác thể dục vừa sức như đi bộ vẩy tay…, lưu ý không tập thể dục nặng.
Với số ca F0 tăng vọt thời gian gần đây, Hà Nội đã triển khai điều trị F0 tại nhà (Ảnh: Mạnh Quân).
Theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội, Bộ Y tế, người bệnh cần chuẩn bị một số phương tiện như: nhiệt kế, máy đo độ bão hòa oxy đầu ngón tay (SpO2), máy đo huyết áp, điện thoại hoặc máy tính để liên hệ nhân viên y tế, thùng rác thải y tế, túi thuốc điều trị tại nhà.
Người bệnh không được tự ý rời khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không sử dụng chung vật dụng với người khác, không ăn uống cùng người khác, không tiếp xúc gần người khác hoặc vật nuôi. Trường hợp có người chăm sóc, người chăm sóc phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc.
Những dấu hiệu cần theo dõi
Người bệnh theo dõi, điền thông tin vào Bảng theo dõi sức khỏe hàng ngày.
Những dấu hiệu cần theo dõi:
- Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 (nếu có thể), huyết áp (nếu có thể).
- Các triệu chứng: mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy; ho ra máu, thở dốc/khó thở, đau tức ngực…
- Triệu chứng khác như: đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ…
Những dấu hiệu bệnh trở nặng cần đặc biệt lưu ý
Nếu có một trong các dấu hiệu sau đây phải báo ngay với cán bộ y tế:
- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
- Nhịp thở tăng:
Người lớn: nhịp thở ≥ 21 lần/phút.
Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: nhịp thở: ≥ 40 lần/phút,
Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: nhịp thở ≥ 30 lần/phút 3.
- Sp02 < 96%, mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút; huyết áp thấp (huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg)
- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
- Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
- Không thể uống, trẻ em bú kém/giảm, ăn kém, nôn.
- Trẻ có biểu hiện: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết...
Theo Nam Phương/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/f0-dieu-tri-tai-nha-co-dau-hieu-nay-phai-bao-ngay-nhan-vien-y-te-20211228140410044.htm