Cập nhật: 01/01/2022 17:00:00
Xem cỡ chữ

Khát vọng về một Việt Nam giàu mạnh hùng cường luôn cháy bỏng trong mỗi thế hệ người dân Việt Nam qua các chặng đường lịch sử và được cụ thể hóa trong mục tiêu nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cũng với khát vọng ấy đã thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Vĩnh Phúc luôn sáng niềm tin, ý chí tự lực, sáng tạo, chủ động vượt khó và giành được thành tựu quan trọng qua 25 năm tái lập. Tròn 1/4 thế kỷ nhìn lại, khát vọng Vĩnh Phúc giàu mạnh phồn vinh như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Vĩnh Phúc năm 1963 là động lực lớn lao để mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân Vĩnh Phúc tiếp tục nỗ lực cố gắng, viết tiếp những trang sử vẻ vang của quê hương.

Lời Bác Hồ căn dặn luôn vang vọng trong trái tim, khối óc của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân Vĩnh Phúc qua các chặng đường lịch sử và được minh chứng rõ nét kể từ khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập vào ngày 1/1/1997, cách đây vừa tròn 25 năm. Kế thừa và vận dụng tư duy sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc - cha đẻ của khoán hộ, các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã luôn kiên định mục tiêu phát triển, tập trung khai thác mọi tiềm năng lợi thế để phát triển Vĩnh Phúc trên quan điểm: tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp làm nền tảng, tạo nên giá trị gia tăng lớn để tái đầu tư các lĩnh vực khác, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân. Vĩnh Phúc đã tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về KT-XH, trong đó, nhiều chính sách đột phá đi đầu cả nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sau 25 năm tái lập tỉnh, quy mô kinh tế của Vĩnh Phúc tăng gần 70 lần. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Vĩnh Phúc luôn cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Vĩnh Phúc đã trở thành trung tâm công nghiệp ô tô, xe máy, công nghiệp phụ trợ; Giá trị sản xuất ngành công nghiệp đóng góp 4,5% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Từ một tỉnh thu ngân sách hơn 100 tỷ đồng khi mới tái lập, đến năm 2002 Vĩnh Phúc đã vượt mốc thu ngân sách 1.000 tỷ đồng, đến năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương. Năm 2021 mặc dù tác động lớn của đại dịch Covid-19, nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt trên 33.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 28 nghìn tỷ đồng, gấp gần 300 lần so với ngày đầu tái lập.

Niềm tin và ý chí cùng với khát vọng cháy bỏng về một Vĩnh Phúc giàu mạnh, phồn vinh đã nâng bước Vĩnh Phúc trên đường hội nhập, là minh chứng rõ nét cho chặng đường 25 năm tái lập tỉnh và 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.

Ngọc Anh