Cập nhật: 02/01/2022 07:30:00
Xem cỡ chữ

Các thành viên trong nhóm The Cim Light chưa tham gia nhiều cuộc thi kỹ thuật, nhưng vẫn phối hợp xuất sắc và giành giải cao nhất một phần nhờ có kỹ năng thực hành tốt.

Nhóm nam sinh Bách Khoa giành giải Nhất cuộc thi chế tạo thiết bị tự động - 1

Nhóm The Cim Light đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội.

Cuộc thi "Công nghệ trí tuệ Student Chie-Tech" đã được tổ chức thành công năm thứ 3 và đã trở thành một cuộc thi thường niên về công nghệ trí tuệ dành cho sinh viên kỹ thuật. Năm 2021, vượt lên 96 đội tham gia đăng ký, đội The Cim Light đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội đã xuất sắc giành giải Nhất.

Nhóm "liên quân" sinh sau đẻ muộn

Nhóm The Cim Light có 5 thành viên gồm Trần Hữu Nam Nhật, Nguyễn Việt Anh, Lê Minh Khuê, Hoàng Thanh Tùng, Nguyễn Trọng Sỹ, là sinh viên năm 3, năm 4 và năm cuối ngành cơ khí và ngành tự động hóa.

Nhóm trưởng Nam Nhật chia sẻ: "Mình cho rằng việc hình thành đội và có được thành công trong khuôn khổ cuộc thi vừa rồi là một cái duyên rất lớn. Ban đầu chỉ có 3 đội thi được thầy giáo ở phòng lab là TS. Nguyễn Ngọc Kiên phê duyệt.

Đến gần hạn nộp hồ sơ đăng ký, thầy mới đồng ý cho nhóm sinh viên năm 4 là Việt Anh, Minh Khuê, Thanh Tùng lập thêm một nhóm dự thi để có thêm kinh nghiệm, nhưng nhóm không đủ thành viên nên đã mời mình tham gia và trùng hợp thời gian đó đợt thực tập của mình bị dừng lại nên mình đồng ý. Sau đó có thêm bạn Sỹ năm 3 muốn tham gia học hỏi nên nhóm nhận vào luôn.

Hình thành sau cùng trong các nhóm đến từ Bách Khoa và mỗi thành viên là một mảnh ghép rất riêng nên thầy hay gọi nhóm mình là nhóm liên quân, sinh sau đẻ muộn".

Nhóm nam sinh Bách Khoa giành giải Nhất cuộc thi chế tạo thiết bị tự động - 2

Trưởng nhóm Nam Nhật đang là sinh viên năm cuối viện Cơ khí.

Với đề tài cuộc thi là làm một chiếc máy lắp ráp bu-lông, đai ốc, đệm vênh, đệm phẳng với nhau đúng theo thứ tự và kích thước cho sẵn. Nhóm đã chia máy ra làm các modul riêng biệt ví dụ như phần xoáy, phần lọc, cấp chi tiết. Sau đó, các bạn trẻ lên mạng tìm tòi các cơ cấu để học hỏi và sáng tạo để làm ra những cơ cấu mới, nhỏ gọn, và hiệu suất cao.

Bên cạnh đó, các chàng trai cũng phải nghĩ cách liên kết các cơ cấu, các modul ấy lại với nhau, sử dụng ít tác động nhất có thể mà các cơ cấu vẫn hoạt động êm, ăn khớp với nhau mượt mà.

Theo đại diện nhóm, điều làm nên chiến thắng của nhóm là sự kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm của các thành viên. Tiêu chí đầu tiên nhóm đặt ra là quyết tâm phải đạt các tiêu chí ăn điểm nhiều nhất theo biểu điểm của ban tổ chức đề ra. Để làm được điều này, các thành viên đã rất cố gắng trau chuốt, tỉ mỉ trong từng chi tiết, từng cơ cấu, đặc biệt là không ngại làm lại, thiết kế lại nhiều lần, luôn làm với tinh thần chưa xong việc chưa nghỉ.

"Trăm hay không bằng tay quen"

Các thành viên trong nhóm The Cim Light đều chưa tham gia nhiều cuộc thi kỹ thuật, nhưng vẫn phối hợp xuất sắc và giành giải cao nhất một phần vì có kỹ năng thực hành tốt.

Ngoài các cuộc thi là sân chơi để thử sức và luyện tập, nhóm nam sinh Bách Khoa còn chăm chỉ thực hành ở phòng lab, dưới sự hướng dẫn của giảng viên trong trường, trong môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, trực tiếp tham gia các dự án chế tạo máy móc. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng tham khảo và cập nhật rất nhiều những kiến thức mới về ngành từ nhiều nguồn khác nhau, tự nghiên cứu nhiều dự án nhỏ của bản thân như một bài luyện tập.

Chia sẻ về bí quyết để có khả năng thực hành tốt, các thành viên The Cim Light đều đồng quan điểm rằng đó là làm thật nhiều và làm trực tiếp.

"Với ngành kỹ thuật, khó và yêu cầu yếu tố chuyên môn cao, mình nghĩ bí quyết để giỏi thực hành đó phải làm thật nhiều, như dân gian có câu "Trăm hay không bằng tay quen". Qua quá trình thực hành, tự bản thân mình sẽ rút ra được những kinh nghiệm, bài học mà chỉ khi làm thật mới hiểu, thầy cô không dạy mà cũng ít sách vở nào có. Ngoài ra, trong khi làm cũng yêu cầu bộ não phải liên tục tư duy, phân tích và đánh giá vấn đề, từ đó nghĩ những biện pháp giải quyết sao cho tối ưu nhất", thành viên Minh Khuê chia sẻ.

Nhóm nam sinh Bách Khoa giành giải Nhất cuộc thi chế tạo thiết bị tự động - 3

The Cim Light chia sẻ bí quyết để giỏi thực hành là "Trăm hay không bằng tay quen".

Chăm chỉ, tỉ mỉ và có sức khỏe tốt là những yếu tố mà các nam sinh Bách Khoa khuyên các bạn trẻ muốn theo đuổi khối ngành kỹ thuật nên có, vì một sản phẩm ra đời sẽ có ảnh hướng tới rất nhiều người, chúng phải là sản phẩm hoàn thiện nhất.

Theo quan điểm cá nhân của trưởng nhóm, làm kỹ thuật trước tiên phải kế thừa được những thứ các nhà khoa học, các kỹ sư đã nghiên cứu, tìm ra, từ đó mới có thể sáng tạo ra cái mới, cái hay.

Cuối cùng, The Cim Light nhắn nhủ với những người muốn bắt đầu thực hiện đam mê khoa học kỹ thuật rằng hãy tìm thật nhiều cơ hội để làm thực hành, làm trực tiếp vì kỹ thuật khác với lý thuyết rất lớn.

Theo Mai Hương. Ảnh: NVCC/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nhom-nam-sinh-bach-khoa-gianh-giai-nhat-cuoc-thi-che-tao-thiet-bi-tu-dong-20220101200412833.htm