Ðến thời điểm này, nhiều trường đại học, khoa trực thuộc, phân hiệu đại học thuộc Ðại học Quốc gia (ÐHQG) TP Hồ Chí Minh đã công bố các phương án tuyển sinh với nhiều phương thức cụ thể. Ðây là điều mà học sinh và các bậc phụ huynh luôn quan tâm tìm hiểu hằng năm.
Sinh viên Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, Hội đồng tuyển sinh Khoa Y (thuộc ÐHQG TP Hồ Chí Minh) công bố phương án tuyển sinh năm 2022 với việc mở thêm hai ngành học mới là y học cổ truyền và điều dưỡng. Các phương thức tuyển sinh năm 2022 vẫn được khoa duy trì ổn định như năm 2021. Khoa Y tiếp tục sử dụng bảy phương thức tuyển sinh cụ thể: Xét tuyển thẳng thí sinh theo quy chế tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) và ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT theo quy định của ÐHQG TP Hồ Chí Minh (phương thức 1); Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ÐHQG TP Hồ Chí Minh (phương thức 2); Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ÐHQG TP Hồ Chí Minh (phương thức 3); Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2022 (phương thức 4); Xét tuyển kết hợp kết quả thi THPT năm 2022 và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (phương thức 5); Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế (phương thức 6); Xét tuyển dựa trên điểm trung bình chung tích lũy của thí sinh tốt nghiệp đại học (phương thức 7).
Tại Ðại học Quốc tế (thuộc ÐHQG TP Hồ Chí Minh), trường này dành đến 80% chỉ tiêu xét điểm tốt nghiệp THPT với tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 là 3.260 sinh viên. Theo đó, sẽ tuyển 21 ngành đào tạo đại học chính quy (học bốn năm tại Việt Nam do Ðại học Quốc tế cấp bằng) và 24 chương trình đào tạo liên kết do trường đại học đối tác nước ngoài (Mỹ, Anh, Australia, New Zealand) cấp bằng. Trường dự kiến sử dụng sáu phương thức tuyển sinh: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, từ 50% đến 80% chỉ tiêu năm 2022. Tiêu chí xét tổng điểm của ba môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT theo khối đăng ký xét tuyển (phương thức 1); Xét tuyển học sinh giỏi của các trường THPT (ưu tiên xét tuyển theo quy định của ÐHQG TP Hồ Chí Minh), 15% chỉ tiêu (phương thức 2); Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng và hướng dẫn công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2022 của Bộ GD và ÐT và xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2022 (phương thức 3);... Xét tuyển bằng điểm học bạ của ba năm THPT, từ 10% đến 20% chỉ tiêu. Tiêu chí: xét tổng điểm trung bình của ba môn của ba năm học THPT theo khối đăng ký xét tuyển (phương thức 6, dành cho các chương trình liên kết)...
Trong khi đó, Trường đại học Khoa học tự nhiên (thuộc ÐHQG TP Hồ Chí Minh) có tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường hơn 3.600 sinh viên với sáu phương thức tuyển sinh. Các phương thức xét tuyển đều yêu cầu thí sinh phải đáp ứng điều kiện chung là tốt nghiệp THPT. Thí sinh đạt kết quả học tập xếp loại khá trở lên (đối với các chương trình đào tạo liên kết Việt-Pháp) trong ba năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 có chứng chỉ tiếng Pháp DELF mức B2/ TCF B2 hoặc thí sinh đạt kết quả học tập xếp loại giỏi trở lên (đối với chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến) trong ba năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 và có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 6.0 trở lên hoặc TOEFL iBT từ 65 trở lên. Năm 2022, nhà trường dự kiến sẽ xây dựng và mở một số ngành mới, chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội như: công nghệ điện tử và tin học (ngành thử nghiệm), kỹ thuật máy tính và ngành quản lý tài nguyên và môi trường. Ngoài ra, trường còn đào tạo một chương trình liên kết đào tạo do nước ngoài cấp bằng. Cũng trong năm học tới, trường bắt đầu thực hiện về đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đại học.
Theo lãnh đạo Ban Kế hoạch-Tài chính ÐHQG TP Hồ Chí Minh, ÐHQG TP Hồ Chí Minh là đơn vị dự toán cấp I, hiện nay có 38 đơn vị thành viên và trực thuộc có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Thực hiện chủ trương tự chủ đại học, Hội đồng Ðại học ÐHQG TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt Ðề án đổi mới cơ chế hoạt động của các trường đại học thành viên như: Bách khoa, Công nghệ thông tin, Kinh tế-Luật, Quốc tế và theo kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021-2025, ÐHQG TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương này. Kết quả thực hiện tự chủ tài chính thể hiện qua tổng nguồn thu của ÐHQG TP Hồ Chí Minh năm 2019 tăng 15% so với năm 2018 (trong đó: nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước tăng 14,2%); năm 2020, tổng nguồn thu tăng 18% so với năm 2019 (trong đó: nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước ước tăng khoảng 2% so với cùng kỳ). Còn tình hình thực hiện nhiệm vụ chi của ÐHQG TP Hồ Chí Minh năm 2019 tăng 26% so với năm 2018; ước thực hiện nhiệm vụ chi năm 2020 tăng 16% so với năm 2019 (trong đó: chi thanh toán cá nhân tăng 15,8% so với năm 2019, chiếm tỷ lệ 34,8% trong tổng chi năm 2020).
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2020, ÐHQG TP Hồ Chí Minh đã đào tạo và cung cấp cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam hơn 60 nghìn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ. Ðây là đội ngũ trí thức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, tham gia xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Hoàng Liêm/nhandan.vn
https://nhandan.vn/giaoduc/nhieu-dai-hoc-cong-bo-phuong-an-tuyen-sinh-nam-2022-681535/