Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân) được biên chế nhiều tàu chiến đấu hiện đại, vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) thế hệ mới, đa dạng về chủng loại; đồng thời được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có những chuyến công tác xa, nhiệm vụ đột xuất. Song cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162 luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác huấn luyện.
Trung tá Phạm Anh Tuấn, Lữ đoàn trưởng, cho biết: “Tài liệu huấn luyện trên các tàu bằng tiếng Nga chưa được phiên dịch, biên soạn đầy đủ, chúng tôi phải sử dụng tài liệu của một số tàu huấn luyện trước đó và các nội dung ghi chép khi học tập tại Liên bang Nga làm tài liệu huấn luyện... Vì vậy, việc huấn luyện chuyên sâu, làm chủ VKTBKT gặp rất nhiều khó khăn”.
Xác định cán bộ là khâu then chốt, quyết định chất lượng huấn luyện, Lữ đoàn 162 đã lựa chọn các đồng chí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn giỏi làm nòng cốt cho tổ giáo viên. Cấp ủy, chỉ huy các cấp chú trọng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, biên dịch, biên soạn tài liệu, làm mô hình, học cụ, ứng dụng công nghệ mô phỏng vào huấn luyện.
Thiếu tá Mã Nguyên Thanh, Thuyền trưởng Tàu 015-Trần Hưng Đạo, chia sẻ: “Chúng tôi luôn duy trì nghiêm kế hoạch huấn luyện, bảo đảm đúng nội dung, đủ thời gian, quân số và tổ chức huấn luyện bù, vét đúng quy định. Trực chỉ huy tàu cùng các tổ giáo viên thường xuyên kiểm tra, dự giờ huấn luyện để kịp thời điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện”.
|
Cán bộ, chiến sĩ Tàu 016-Quang Trung, Lữ đoàn 162 huấn luyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển.
|
Theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, lữ đoàn tổ chức huấn luyện cho bộ đội từ thấp đến cao, từ cơ bản đến chuyên sâu; phát huy tốt việc tự học, tự nghiên cứu nhằm rút ngắn thời gian làm chủ VKTBKT hiện đại. Chỉ huy các đơn vị chủ động phân nhóm đối tượng, cử những đồng chí có kiến thức tốt kèm cặp các đồng chí kết quả huấn luyện thấp theo hướng cầm tay chỉ việc.
Tích cực học tập, nghiên cứu, sau thời gian huấn luyện, Đại úy Nguyễn Văn Chiến, Trưởng ngành 7, Tàu 012-Lý Thái Tổ nhanh chóng làm chủ vị trí được phân công và có thể thay thế 2-3 vị trí trong ngành khi cần thiết. Đại úy Nguyễn Văn Chiến tâm sự: “Cùng với việc huấn luyện chuyên ngành, tôi tham gia các lớp huấn luyện tin học, ngoại ngữ của lữ đoàn tổ chức. Đến nay, tôi hoàn toàn có thể đọc, dịch tài liệu hướng dẫn sử dụng VKTBKT bằng tiếng Nga”.
Trong huấn luyện chiến thuật chuyên ngành, các tàu tổ chức huấn luyện từ tiểu đội, ngành rồi hợp luyện toàn tàu, sau đó huấn luyện theo biên đội. Thiếu tá Mã Nguyên Thanh cho biết thêm: “Song song với huấn luyện làm chủ VKTBKT, chúng tôi chủ động xây dựng, hoàn thiện các bảng bố trí chiến đấu, bảng tín hiệu và sổ tay thủy binh cho các vị trí chiến đấu. Cùng với đó, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với đội ngũ chuyên gia Nga để hỗ trợ những vấn đề khó còn tồn tại”.
Các tàu của Lữ đoàn 162 tăng cường huấn luyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong các đợt diễn tập hiệp đồng quân binh chủng hay hoạt động độc lập trên biển xa. Nhờ vậy, các tàu luôn hoàn thành tốt và xuất sắc các chuyến tuần tra chung, diễn tập, thăm, giao lưu đối ngoại quốc phòng... Đặc biệt, Biên đội tàu 015-Trần Hưng Đạo, 016-Quang Trung đại diện cho Hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021 tại Liên bang Nga, giành huy chương bạc môn “Cúp biển”.
Làm chủ VKTBKT mới, hiện đại, Lữ đoàn 162 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chuyển giao cho các đơn vị trong Quân chủng Hải quân. Từ năm 2015 đến 2020, lữ đoàn liên tục được tặng cờ Đơn vị huấn luyện giỏi cấp Bộ Quốc phòng.
Trung tá Phạm Anh Tuấn khẳng định: “Thời gian tới, Lữ đoàn 162 sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn, nỗ lực, sáng tạo trong huấn luyện, làm chủ vững chắc các loại VKTBKT, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng SSCĐ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Theo Bài và ảnh: VŨ BẰNG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lu-doan-162-vung-4-hai-quan-lam-chu-vung-chac-nhung-tau-chien-hien-dai-682789