Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành sự quan tâm đến chủ quyền biển, đảo với những tư duy chiến lược toàn diện, sâu sắc đối với công cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.
Trong cuốn sách “Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn viết: "Nước ta lại có bờ biển dài, tài nguyên phong phú, sông ngòi nhiều. Vì vậy, chúng ta cần có bộ đội hải quân và lực lượng hải quân của nhân dân ta cùng toàn dân làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước ở cả trên sông và trên biển".
Tư duy chiến lược về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đại tướng được thể hiện ở sự quan tâm xây dựng và phát triển lực lượng hải quân. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là nguy cơ thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa, trước tình hình ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tham mưu với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có lực lượng hải quân. Ngày 8-3-1949, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký Nghị định số 604/QĐ, thành lập Ban Nghiên cứu Thủy quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu, có nhiệm vụ nghiên cứu những phương án xây dựng và chiến đấu của lực lượng thủy quân.
|
Cảnh sát biển Việt Nam đồng hành với ngư dân.
|
Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội, Đại tướng rất quan tâm đến việc bảo vệ biên giới, chủ quyền biển, đảo, Đại tướng khẳng định: “Việc xây dựng lực lượng hải quân phải gắn liền với việc xây dựng lực lượng vũ trang rộng rãi ven biển, ven sông; sự phát triển của hải quân có quan hệ chặt chẽ với các địa phương ven biển và các ngành kinh tế trên biển. Các lực lượng vũ trang địa phương ven biển, ven sông rất quan trọng. Cần chú ý xây dựng và bồi dưỡng để các lực lượng ấy trở thành rộng khắp, mạnh mẽ, phối hợp đắc lực với hải quân để bảo vệ sông biển”.
Đại tướng nhìn thấy việc xây dựng lực lượng hải quân không thể tách rời quá trình xây dựng kinh tế của đất nước, Đại tướng cho rằng: Công nghiệp, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác lớn mạnh thì ngành đóng tàu, ngành hàng hải, ngành vận tải trên sông, ngành đánh cá nhất định sẽ phát triển nhanh chóng. Chúng ta càng có điều kiện tốt về cơ sở vật chất và kỹ thuật để phát triển lực lượng hải quân. Cơ sở vật chất kỹ thuật của hải quân gắn liền với tiềm lực kinh tế quốc phòng của nước nhà. Trong cuốn "Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành riêng một chương giải phóng Trường Sa để hồi tưởng sự kiện này. Đại tướng đã kiến nghị với Bộ Chính trị: Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo trên Biển Đông do quân đội Việt Nam cộng hòa đang chiếm giữ. Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25-3-1975.
Ngay sau khi quần đảo Trường Sa được giải phóng, Đại tướng luôn trăn trở việc mở đường ra biển theo phương pháp kết hợp biện chứng giữa quốc phòng với kinh tế và kinh tế với quốc phòng trên biển. Đại tướng đã kiến nghị Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Quốc hội sớm thành lập đơn vị hành chính ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để đấu tranh bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế biển. Trên cơ sở đề nghị mang tầm tư duy chiến lược của Đại tướng, ngày 9-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ký Quyết định số 193-HĐBT và Quyết định số 194-HĐBT về việc thành lập hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trên cương vị Phó thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất một chiến lược về khoa học biển và kinh tế miền biển: Muốn phát triển kinh tế vùng biển thì phải từ đất liền mà phát triển ra, dựa vào vùng ven biển ở đất liền mà phát triển. Mặt khác, Đại tướng sớm đã có quan điểm đưa dân ra làm kinh tế biển trên các đảo và hải đảo xa bờ, vừa cải thiện được đời sống của dân, vừa có lực lượng để giữ vững chủ quyền biển, đảo.
Những thập niên cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, Đại tướng đã rất quan tâm đến xây dựng lực lượng thực thi pháp luật trên biển, nhất là việc thành lập và phát triển lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Đại tướng đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước phải nhanh chóng xây dựng lực lượng Cảnh sát biển với quan điểm Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang, nhưng là lực lượng chuyên trách để thực thi pháp luật trên biển. Hiện nay Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm, đầu tư xây dựng lực lượng Cảnh sát biển, hải quân phát triển ngang tầm với nhiệm vụ, trở thành một trong những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về với thế giới người hiền, nhưng tư duy chiến lược đối với công cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc luôn là tài sản quý giá, đồng hành với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển kinh tế biển.
Theo TS NGUYỄN THANH MINH/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/tu-duy-chien-luoc-trong-bao-ve-bien-dao-va-phat-trien-kinh-te-bien-682063