Cập nhật: 14/01/2022 09:00:00
Xem cỡ chữ

Chương trình OCOP được Vĩnh Phúc xem là giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới hiện nay. Đây cũng là cơ hội để người dân thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao vị thế cạnh tranh của các sản phẩm nông sản địa phương trên thị trường.

Tham gia chương trình OCOP, các chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh, HTX, doanh nghiệp đã thay đổi căn bản tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Thay vì sản xuất nông nghiệp theo lối mòn, người dân đã chủ động tìm hiểu các phương thức sản xuất sao cho phù hợp với xu thế và nhu cầu của thị trường. Không chỉ ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, các cá nhân, HTX còn tập trung phát triển các sản phẩm nông sản theo hướng bền vững. Như HTX Chăn nuôi Bình Minh tại xã Bàn Giản đã bứt phá khỏi lối chăn nuôi lợn truyền thống sang chăn nuôi lợn bằng thảo dược và xây dựng thương hiệu cho chính sản phẩm của mình khi thực hiện quy trình khép kín từ khâu con giống, chăm sóc đến chế biến các thành phẩm từ thịt lợn do trang trại nuôi. Hiện HTX đã có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh và những sản phẩm này đang có sức cạnh tranh rất lớn với các sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước.

Năm 2021 là năm thứ 3 tỉnh Vĩnh Phúc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm và đã chọn được 21 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao đến 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP của Vĩnh Phúc đến nay là 61 sản phẩm. Khi được công nhận là sản phẩm OCOP, các sản phẩm này có cơ hội để nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Thực tế cho thấy, sau 3 năm triển khai chương trình, các sản phẩm OCOP này đã khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thị trường. Nhiều sản phẩm đã có thể vươn ra thị trường nước ngoài. Đây là những thành quả từ sự thay đổi tư duy sản xuất của doanh nghiệp, HTX và người dân./.

Hà Giang