Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt ở một số địa phương đang ở mức báo động. Nguyên nhân quan trọng nhất là do việc xử lý chất thải sinh hoạt chưa triệt để, chủ yếu vẫn là hình thức chôn lấp, khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, do vậy cần có những giải pháp quyết liệt để thu gom và xử lý rác thải, trong đó việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung với công nghệ hiện đại được coi là giải pháp then chốt.
Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ do Công ty TNHH Everbright International làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác sinh hoạt phát điện sử dụng lò đốt cơ khí dạng đẩy, khói thải đạt tiêu chuẩn châu Âu 2010, nước rỉ rác sau xử lý toàn bộ được tái sử dụng. Mỗi ngày, nhà máy có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát điện khoảng 150.000 Kwh. Tất cả chỉ tiêu về không khí, khói bụi, môi trường đều được thể hiện online và gửi về cho các đơn vị chủ quản theo dõi, tần suất là 15 phút/lần. Đây là công nghệ xử lý rác thải hiện đại đã được tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn để đầu tư xây dựng nhà máy tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch.
Nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định phê duyệt dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch do Công ty Cổ phần Đầu tư ITC Hà Nội làm chủ đầu tư; phạm vi lập quy hoạch phía đông ĐT 305, tại khu đất lâm nghiệp, thuộc khu vực núi rừng thông của 2 thôn Đồng Chủ và Thành Công, xã Xuân Hòa. Ngày 1/12/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định số 3269 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa của Công ty Cổ phần Đầu tư ITC Hà Nội. Nhà máy có diện tích khoảng 6ha, bao gồm các hạng mục công trình như: nhà điều hành, trạm cân điện tử, khu tiếp nhận và bể chứa rác đầu vào với công suất xử lý rác thải lên tới 270 tấn/ngày đêm.
Việc triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tập trung thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp, của mỗi người dân, cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường sẽ là giải pháp quan trọng để giải quyết dứt điểm bài toán về vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn hiện nay./.
Đặng Thưởng