Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã “chào hàng”, khai thác những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Việc nhiều tỉnh, thành phố đã chuyển thành “vùng vàng”, “vùng xanh” là điều kiện thuận lợi để ngành du lịch từng bước khôi phục. Song, các tua du lịch gặp nhiều khó khăn do rào cản từ quy định chống dịch mỗi địa phương một khác. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa chính quyền, doanh nghiệp kinh doanh du lịch để thật sự có hành lang “xanh” cho du lịch.
Khách du lịch chụp ảnh ở làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: NINA MAY
Theo khảo sát về nhu cầu du lịch của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) công bố mới đây, gần 90% số người được khảo sát mong muốn đi du lịch ngay trong vòng 10 tháng tới. Nhu cầu đi du lịch của người dân giống như “lò xo bật nén” sau hai năm bị đóng băng. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị những sản phẩm du lịch thích ứng với điều kiện dịch bệnh.
Nhiều tua thích ứng an toàn
Công ty Hanoitourist đã đưa vào khai thác tua du lịch Hà Nội-Ninh Bình hai ngày một đêm. Lịch trình khám phá Ninh Bình chủ yếu vẫn là những điểm đến cũ như: Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Tam Cốc, Bích Động... Song điểm hấp dẫn của tua là khách có thể chọn hình thức đi xe chung theo đoàn, hoặc xe tự lái (caravan). Tại nhiều điểm tham quan ở Ninh Bình, khách có thể di chuyển bằng xe đạp để trải nghiệm. Tổng Giám đốc Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết: “Mỗi chương trình của chúng tôi thường có từ 10 đến 20 khách chứ chưa có những đoàn khách lớn. Song, đây cũng là nguồn động viên lớn với doanh nghiệp sau một thời gian dài du lịch bị đóng băng. Hiện giờ, khách hàng đến với Hanoitourist chủ yếu đi du lịch các tỉnh miền bắc như: Ninh Bình, Lào Cai, Quảng Ninh... Điều này cũng dễ hiểu khi khách vẫn có tâm lý ngần ngại vì dịch bệnh khi thực hiện chuyến du lịch khoảng cách xa”. Tết Nguyên đán và dịp đầu xuân luôn là mùa làm ăn của các hãng lữ hành. Hanoitourist hiện đã xây dựng và mở bán hàng loạt tua du xuân khác nhau.
Dịch bệnh khiến nhu cầu du lịch của người dân thay đổi. Du lịch trong không gian rộng, ra ngoại thành, khám phá thiên nhiên được quan tâm hơn. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) cho biết: “Trong bối cảnh dịch Covid-19, những hoạt động du lịch trải nghiệm ngoài trời như đạp xe, cắm trại, du lịch mạo hiểm khám phá... với quy mô nhỏ, biệt lập ngày càng được chú trọng như một xu hướng phát triển. Các trải nghiệm ngoài trời thường gắn với những nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, rộng rãi... giúp bảo đảm an toàn. Sau thời gian dài căng thẳng vì giãn cách, du khách có xu hướng tìm kiếm các hoạt động ngoài trời để giải tỏa tinh thần. Điều này giúp họ trải nghiệm sâu những giá trị của chương trình du lịch”. Nếu một số doanh nghiệp coi đạp xe là “gia vị” thì Công ty VietFoot Travel (Công ty Du lịch Bàn chân Việt) lại chọn điểm nhấn là du lịch xe đạp. VietFood Travel có đến hàng chục tua đạp xe khác nhau quanh Hà Nội và đi các tỉnh. Tham gia các tua này, khách có thể đạp xe toàn bộ hành trình nếu quãng đường gần, hoặc kết hợp di chuyển bằng ô-tô, xe đạp. Giám đốc VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho biết: “Chúng tôi thường tổ chức các nhóm nhỏ khoảng 20 người. Ban đầu chúng tôi tổ chức những tua gần như đi trong nội thành Hà Nội, làng gốm Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm... Gần đây chúng tôi tổ chức tua đi các tỉnh như: Hòa Bình, Quảng Ninh, Lào Cai... và được khách hàng hưởng ứng. Đạp xe trên những đường đèo ngoạn mục, vùng ven cánh rừng bạt ngàn... mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách”. Hiện nay, các tua du lịch của VietFood Travel vẫn khởi hành hằng tuần. Công ty Du lịch Năm Sao (FiveStar Travel) đã tung ra hàng loạt tua khám phá thiên nhiên, nhất là các tua trekking, leo núi... từ đầu năm 2021. Mới đây, doanh nghiệp này tiếp tục khảo sát du lịch Bình Liêu (Quảng Ninh) và đã đưa những vị khách đầu tiên đến Bình Liêu trong những ngày đầu năm. Một số doanh nghiệp chào hàng dịch vụ leo núi-bay lượn bằng dù và cũng thu hút đông khách du lịch.
Ngoài đi theo tua, du lịch tự túc cũng được nhiều người lựa chọn do sự linh hoạt về quy mô, thời gian tổ chức. Tuy nhiên, du lịch tự túc tiềm ẩn nguy cơ phức tạp trong kiểm soát dịch bệnh, vì việc tuân thủ tùy thuộc vào ý thức của khách. Còn với các hãng lữ hành, các hãng luôn yêu cầu khách phải tiêm đủ hai mũi vắc-xin phòng, chống Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên đường. Trong hành trình, khách phải thực nghiêm thông điệp 5K, hạn chế tiếp xúc với người dân địa phương.
Tạo sức bật từ hành lang “xanh”
Ngày 18/10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Hướng dẫn số 3862 về việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Sau đó, các địa phương đã xây dựng Bộ tiêu chí an toàn du lịch, hướng dẫn tổ chức hoạt động du lịch trên địa bàn.
Tỉnh Quảng Ninh có sáng kiến cập nhật danh sách các cơ sở kinh doanh du lịch được dán nhãn đánh giá mức độ an toàn phòng, chống Covid-19. Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết: “Sở Du lịch thực hiện công tác đánh giá phòng dịch tại các điểm du lịch, nhà hàng ăn uống, cơ sở vui chơi, giải trí, cơ sở lưu trú... theo ba mức: An toàn, an toàn cao, không an toàn và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin du lịch của tỉnh. Đây là căn cứ để các hãng lữ hành, người đi du lịch có thể lựa chọn”. Tỉnh Ninh Bình cũng có nhiều hoạt động xúc tiến du lịch. Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Mạnh cho biết, từ đầu tháng 12/2021, Ninh Bình tổ chức thí điểm đón khách du lịch ngoài tỉnh thông qua chương trình du lịch khép kín, an toàn do các doanh nghiệp du lịch từ Hà Nội tổ chức đến Ninh Bình để đánh giá mức độ an toàn du lịch, trước khi mở cửa đón khách du lịch ngoài tỉnh. Hiện giờ nhiều điểm đến của du lịch Ninh Bình đã chào hàng các hoạt động du xuân.
Nhu cầu khách khá cao, nhiều hãng lữ hành đã xây dựng những sản phẩm du lịch mới. Tuy nhiên, việc tổ chức tua du lịch vẫn giống như một cuộc chạy “vượt rào” của các doanh nghiệp lữ hành. “Các doanh nghiệp lữ hành luôn trong tình trạng thấp thỏm vì các tỉnh, thành phố thường xuyên thay đổi các biện pháp kiểm soát chống dịch. Trong nội bộ một tỉnh, thành phố, các quận, huyện, thị xã lại áp dụng những biện pháp chống dịch khác nhau, điều này làm các doanh nghiệp xoay như chong chóng. Có khi ngày mai khởi hành, nhưng tối hôm trước lại nhận được tin địa phương tăng thêm các “rào chắn” phải hủy tua”, ông Phùng Quang Thắng cho biết. Trong quá trình tổ chức tua, có thể phát sinh những ca F0. Khi gặp chuyện này, nhiều doanh nghiệp phải quay lại trạng thái “ngủ đông”, việc hoạt động trở lại khó khăn. Giám đốc Công ty Du lịch Ánh Dương Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Chúng ta đã có hướng dẫn về an toàn trong du lịch. Nhưng rủi ro là không tránh khỏi. Hiện mỗi địa phương lại ứng xử một cách khác nhau khi phát hiện ca F0 khiến doanh nghiệp rất thiệt thòi. Chúng tôi cho rằng, cần có hướng dẫn thống nhất trên cả nước để vừa bảo đảm phòng dịch, vừa giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, khách hàng”.
Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã tổ chức các hội nghị nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác. Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị với tám tỉnh vùng Tây Bắc; Sở Du lịch Hà Nội ký kết hợp tác thiết lập hành lang “xanh” với 11 tỉnh, thành phố miền bắc và miền trung... Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: “Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố miền bắc và miền trung đã thống nhất quy trình, thủ tục khai báo y tế khi qua các chốt kiểm dịch dành cho các đoàn khách du lịch; cập nhật, công khai danh sách các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn an toàn; hướng dẫn cách thức xử lý tình huống trong đoàn khách du lịch có ca F0, F1; thống nhất quan điểm của các địa phương về việc quản lý, giám sát các đoàn khách du lịch… để khách hàng yên tâm đi du lịch”. Mặc dù vậy, việc thực hiện trong thực tế vẫn còn những khoảng cách. Chưa kể, còn có độ “vênh” giữa chính sách chung của tỉnh, thành phố với các địa phương cấp huyện. Đại diện nhiều hãng lữ hành cho rằng, trước hết, các địa phương cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, không dựng thêm “rào chắn”. Bên cạnh đó, do khách du lịch đều được kiểm soát về phòng dịch từ lúc lên xe đến lúc kết thúc hành trình, nên các địa phương, điểm đến cần có cơ chế đặc thù thay vì ứng xử như tất cả mọi người khi đến địa phương. Hành lang “xanh” trong điều kiện thích ứng, cần phải được hiểu là khách và người địa phương vẫn an toàn khi khai thác du lịch ngay trong bối cảnh dịch bệnh, kể cả dịch bệnh ở cấp độ 3.
Du khách trải nghiệm bay dù lượn ở đồi Bù, huyện Chương Mỹ (Hà Nội).
Theo GIANG NAM/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-du-lich/thiet-lap-hanh-lang-xanh-cho-du-lich-682867/