Trong quá trình tìm hiểu về các tổ chức ngoại vi của Việt Tân là RISE và VOICE, chúng tôi đã tiếp xúc với một số trường hợp vì thiếu hiểu biết đã bị các thành viên của các tổ chức ngoại vi này lôi kéo vào tham gia. Những chia sẻ của họ về nội dung các khoá học sẽ vạch trần phương thức và thủ đoạn tinh vi của Việt Tân nói chung, các nhóm ngoại vi nói riêng.
Các đối tượng dạy gì trong các lớp học của RISE?
Nhằm chấm chọn, lôi kéo phát triển lực lượng trong nước, RISE - tổ chức ngoại vi của tổ chức phản động lưu vong Việt Tân tiếp tục tổ chức các khoá đào tạo, huấn luyện trực tuyến. Thủ đoạn của đối tượng là thông qua ứng dụng zoom để tuyển chọn số đối tượng trong nước tham gia. Những người này được cấp tài khoản gồm tên sử dụng, mật khẩu để truy cập vào lớp học. Nhằm thúc đẩy số người tham gia, từ tháng 02/2021, RISE tổ chức chương trình huấn luyện trực tuyến (online) với chủ đề “Trường nghề xã hội dân sự” thông qua ứng dụng zoom với các thành phần tham gia các khoá học. Chương trình huấn luyện được triển khai với 3 chuyên đề các nền tảng để “xây dựng phong trào xã hội dân sự”; “cách thức xây dựng các chiến dịch hiệu quả” và “chiến lược và kỹ năng lãnh đạo phong trào”.
Trong đó, chuyên đề 1 được dành cho các thành viên chủ chốt sẽ triển khai các “chiến dịch” của các đối tượng của RISE. Trong chuyên đề này, có 3 bài học gồm tạo dựng thông điệp để chiến dịch có sức lan toả, ảnh hưởng lớn; các chiến thuật hoạt động trong phong trào, lập kế hoạch triển khai và điều hành chiến dịch.
Nội dung các khoá học của RISE.
Chuyên đề 2 dành cho những thành viên nòng cốt của RISE và những người đang lãnh đạo, một phong trào hoặc nhóm hành động gồm 3 bài học về chiến lược xây dựng phong trào, lãnh đạo phong trào, tạo dựng sự hỗ trợ về tâm lý xã hội và khả năng phục hồi tổ chức… Những người tham gia đều học theo hình thức trực tuyến, thông qua các phần mềm bảo mật zoom. Thời gian và tài khoản và mật khẩu để đăng nhập được RISE cung cấp cho các học viên trước khi lớp học diễn ra. Đối tượng cũng yêu cầu các thành viên của khoá học chỉ dùng bí danh; phải đăng nhập trước từ 5-7 phút để RISE kiểm tra và nhận diện.
Sự trắng trợn của các đối tượng ở chỗ, nội dung trong quá trình giảng dạy được các đối tượng lấy từ phong trào “Dù vàng”, “Liên minh trà sữa” biểu tình chống chính quyền tại Hồng Kông, Đài Loan, Myamar để làm ví dụ; khuyến khích xây dựng các phong trào tương tự tại Việt Nam. Không dừng lại ở đó, chúng còn lợi dụng vào các vấn đề nhạy cảm như môi trường; công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ Việt Nam… để lôi kéo người dân tham gia xây dựng các “phong trào xã hội” trong nước với phương châm “Hành động nhỏ của một cộng đồng là chất xúc tác cho thay đổi sâu rộng”.
Kết thúc khoá huấn luyện, RISE đã gửi phiếu yêu cầu các hội viên tham gia đánh giá của bản thân về kết quả khoá huấn luyện để làm cơ sở cho hoạt động đào tạo của RISE cũng như sàng lọc, lựa chọn số đối tượng có khả năng để tham gia các khoá huấn luyện chuyên sâu tiếp theo.
Sau khoá huấn luyện cơ bản, RISE tổ chức thêm 3 khoá huấn luyện chuyên sâu “Thúc đấy sự tham gia vào phong trào xã hội”, “Xây dựng chiến dịch hiệu quả cho phong trào xã hội”, “Lãnh đạo và bước đi chiến lược” để các đối tượng tham gia lựa chọn, tuỳ theo năng lực và có kiểm tra, đánh giá sàng lọc.
Trong các lớp học này, 3 đối tượng cốt cán của RISE là Trang (tên thật là Huỳnh Phạm Phương Trang), bí danh là Angelia Trang Huỳnh (SN 1973, trú tại Mỹ), thành viên cốt cán tổ chức phản động lưu vong Việt Tân đồng thời là sáng lập, giám đốc điều hành của RISE là người chủ trì, tham gia thuyết trình nội dung; Hùng tên thật là Nguyễn Mạnh Hùng, cựu phó ban Việt Ngô đài BBC, hiện đang là cộng tác viên đài VOA, cố vấn cho RISE; người đồng chủ trì, tham gia thuyết trình nội dung và Vi, là người đồng chủ trì, tổ chức khoá học, thực hiện các thao tác kỹ thuật để phục vụ cho việc giảng dạy.
Bài học của VOICE
Một trong những hình thức mà tổ chức có danh xưng là “Sáng kiến thể hiện lương tâm người Việt hải ngoại” tên thường gọi là VOICE thành lập là “Nhóm học để hành” gọi tắt là SOA, để tổ chức khoá học trên mạng internet với nội dung là “Tự do biểu đạt”, chúng sử dụng danh nghĩa là cho số trong nước quan tâm đến các vấn đề của xã hội.
Trên thực tế, nhóm SOA là tổ chức “con” của VOICE, bắt đầu thành lập từ ngày 21/7/2020 do đối tượng Đ.T.N.D phụ trách với hình thức đào tạo trực tuyến trong nhóm kín, được bảo mật trên Internet, hướng vào tuyển sinh học viên chủ yếu là giới trẻ, thanh niên hoặc “Nhóm yếu thế” ở Việt Nam. Chỉ tính từ tháng 8/2020 đến nay, số cầm đầu SOA đã tổ chức nhiều khóa học trực tuyến có sự tham gia của một số đối tượng có vai trò là diễn giả.
Các nội dung tuyên truyền của VOICE trong khoá học.
Nhóm SOA rất quan tâm đến việc bảo mật thông tin liên quan đến điều phối viên cũng như các thành viên của nhóm. Người dự tuyển mà muốn đăng ký khoá học sẽ được chúng hướng dẫn lập email mới, cung cấp đầy đủ thông tin, được truy cập vào các nhóm do chúng sắp xếp… Ngoài ra, chúng còn yêu cầu những người đăng ký phải chia sẻ, like facebook của mình để nhóm SOA kiểm tra thông tin. Khoá học được chia làm 4 tuần. Trước mỗi tuần, một trong các đối tượng sẽ gửi các tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Việt có nội dung hướng dẫn luật, các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền tiếp cận thông tin, tự do biểu đạt; các đoạn clip ngắn về con người, những vì dụ tiểu biểu trong hoạt động đấu tranh dân chủ, nhân quyền hoạt động và đề nghị học viên nêu ý kiến. Các nguồn tài liệu chủ yếu từ các tổ chức phi chính phủ…
Theo đó, tuần 1, các học viên sẽ hiểu về tự do biểu đạt và mối quan hệ tương quan giữa tự to biểu đạt và các quyền tự do khác; giới thiệu về các khái niệm như nhân quyền, tự do nhân quyền, tự do biểu đạt. Tuần 2 là những bài học về giới hạn của tự do biểu đạt của diễn giả Trần Lương. Trong buổi nói chuyện, Trần Lương đã có thái độ phê phán chế độ xã hội chủ nghĩa; xuyên tạc nhiều nội dung khác… Đối tượng quy chụp rằng hình thức của bộ máy đang dần lộ rõ, thông qua việc phê duyệt các dự án. Tuần 3 là những phát ngôn thù ghét và các tin giả của diễn giả. Trong quá trình này, đối tượng tiếp tục lồng ghép các vụ việc Đồng Tâm. Đưa ra các thông tin xoáy sâu vào đời tư và giới tính của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân. Tuần 4 có nội dung là bảo vệ tự do biểu đạt và giới thiệu giao tiếp phi bạo lực…
Tài liệu các đối tượng gửi đến những học viên gồm sơ lược về hình thức giao tiếp phi bạo lực, danh sách các tổ chức "Bảo vệ tự do biểu đạt" ở Việt Nam và quốc tế… Đáng chú ý, tại buổi thảo luận, điều phối viên và các diễn giả dẫn dắt và khơi gợi các học viên tham gia ý kiến riêng và phản đối sự “giám sát” từ phía nhà trường đối với giáo viên.
Với những nội dung trên có thể khẳng định rằng, với bản chất phản động, VOICE đã lợi dụng lòng tin của những thanh niên, học viên có nhu cầu nâng cao kiến thức về xã hội để chúng chấm chọn, tuyển lựa người tham gia các hoạt động chống Nhà nước Việt Nam. Tại các buổi học đào tạo, chúng đã công khai các quan điểm chống đối. Các thông tin, tài liệu, diễn giả khoa học đều đi thẳng vào các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền, chúng còn xuyên tạc viện dẫn sai những sự kiện nhằm hướng lái số học viên có cách nhìn tiêu cực như nhà nước ta đang theo đuổi chế độ độc tài. Việc tuyên truyền này được nguỵ trang dưới vỏ bọc tinh vi như chứng minh rằng: Các thông tin đăng tải trên kênh chính thống đều đạt được lựa chọn, người dân không thực sự có quyền tiếp cận thông tin hoặc biết sự thật về một vấn đề nào đó...
Theo Xuân Mai -Ngọc Toàn/cand.com.vn
https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/thuc-chat-nhung-khoa-hoc-cua-cac-to-chuc-ngoai-vi-rise-voice-bai-2--i641976/