Xuất phát từ thực tế sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; khó kiểm soát về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn khiến nhiều sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lâm vào tình trạng được mùa mất giá. Vì vậy, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 86 ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, diễn biến bất thường của thời tiết, các kế hoạch liên kết đã được đơn vị chủ trì liên kết tổ chức triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, một số mô hình đã hoàn thành chu kỳ sản xuất thứ nhất, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho các bên tham gia liên kết. Trong đó, điển hình là mô hình liên kết sản xuấtt, tiêu thụ sản phẩm gà thịt an toàn sinh học của Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp Yên Bình, với quy mô 3.200 con gà, sau hơn 3 tháng chăn nuôi, tổng sản lượng xuất bán đạt hơn 7.7 tấn, doanh thu đạt hơn 460 triệu đồng.
Đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lải đang thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên với tổng diện tích hơn 3 ha rau quả các loại, gồm: cà chua, bắp cải, hành tây. Để đảm bảo luôn có rau thu hoạch và cung cấp sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng, Hợp tác xã đã chủ động đặt hàng với bà con nông dân theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm cụ thể, thực hiện quy trình kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất tới khâu sơ chế, đóng gói, vận chuyển nông sản.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 5 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn. Tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý.
Để đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh cho nông sản; nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng địa phương gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; xây dựng thương hiệu nông sản sạch, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường./.
Đặng Thưởng