Cập nhật: 24/01/2022 09:48:00
Xem cỡ chữ

Nhân dịp năm mới Nhâm Dần 2022, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”

Sáng nay (18/1), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Khu di tích Lịch sử Đền Hùng và một số nhà sưu tập tư nhân bắt đầu tổ chức trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”.

Với trên 30 hiện vật và các tài liệu, hình ảnh chọn lọc, trưng bày giới thiệu với công chúng những tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc trải dài trên 2.000 năm của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. 

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: “Hình tượng Hổ xuất hiện qua những hình khắc trên đá từ khoảng 7000-8000 năm trước. Hổ được sùng bái và trở thành vật tổ của nhiều bộ tộc từ thời tiền sử đến nay bởi sức mạnh, sự oai linh. Cùng với tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam, hình tượng Hổ xuất hiện thường xuyên, mặc dù có phần hiếm hoi hơn so với các linh vật khác như: long, lân, quy, phượng, với khá nhiều biến thể đa dạng, phong phú, trên các loại hình và chất liệu khác nhau, mang nhiều ý nghĩa gắn với đời sống tâm linh, tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, phản ánh được những nét đặc sắc, với xúc cảm thẩm mỹ đa dạng của mỹ thuật Việt Nam”. 

 

PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia.

Ngoài ra, PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cũng có những chia sẻ khi chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” được tổ chức: “Việc tổ chức chuyên đề giúp di sản văn hóa thấm vào trong đời sống nhẹ nhàng, sâu đậm. Các vật trưng bày dù là chất liệu giấy, gỗ, gốm, đá,... đều là những vật truyền tải biểu tượng văn hóa, gửi gắm khát vọng, mong muốn của con người với việc chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc sống”.

Một trong những vật trưng bày nổi bật trong chuyên đề lần này là bộ tranh Ngũ hổ, tranh dân gian thuộc dòng tranh Hàng Trống. Đây là bức tranh nổi tiếng được lưu truyền qua nhiều đời thường được bày trong những không gian thờ phụng. Ngoài tranh ngũ hổ còn có các tranh độc hổ theo màu sắc tương ứng: thanh hổ, bạch hổ, xích hổ, hắc hổ.

Với màu sắc khá lộng lẫy uy nghi, nhưng cũng không kém phần hài hòa, độc đáo. Việc dựa trên nguyên lý ngũ hành để phối màu càng giúp bức tranh có nhiều ý nghĩa. Đường nét và cách tạo hình khỏe khoắn mang tính ước lệ cao được thể hiện theo lối đơn tuyến bình đồ, không theo quy luật xa gần của thị giác, các hình khối được sắp xếp nổi bật nhưng không kém phần uyển chuyển. Kết hợp cùng các hoạ tiết như mây ngũ sắc, cờ, kiếm, tinh tú... tạo thành một tổng thể uy nghiêm, hài hoà, cân bằng theo thẩm mỹ dân gian.

Thông qua trưng bày, Bảo tàng Quốc gia Việt Nam mong muốn giúp công chúng khám phá, hiểu sâu sắc hơn về vai trò, ý nghĩa của linh vật Hổ, sự phát triển của hình tượng Hổ với mỹ thuật Việt Nam, và phần nào đó lý giải tại sao Hổ là một hình tượng quan trọng góp mặt trong 12 con giáp(Thập nhị chi) trong lịch sử, văn hoá Việt Nam.

Hoạt động trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” mở cửa từ ngày 18/01/2022 đến ngày hết ngày 31/08/2022./.

Theo CTV Thu Thảo/VOV.VN

https://vov.vn/van-hoa/kham-pha-hinh-tuong-ho-trong-my-thuat-co-viet-nam-post919085.vov