Cập nhật: 27/01/2022 08:19:00
Xem cỡ chữ

Mỗi thôn, bản các gia đình tự tổ chức ăn một lễ Tết mùa ấm cúng, tạ ơn thần linh và mong cho mùa sắp đến, mọi người được mạnh khỏe, lúa về đầy nhà.

Cuối năm Tân Sửu, khắp các bản làng ở huyện vùng cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam nô nức đón lễ Tết mùa. Sau một năm lao động, đồng bào Bhnoong nơi đây tổ chức ăn Tết truyền thống của dân tộc mình trước khi đón Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh nên bà con không tập trung tổ chức đón lễ Tết lớn như mọi năm. Mỗi thôn, bản các gia đình tự tổ chức ăn một lễ Tết mùa ấm cúng, tạ ơn thần linh và mong cho mùa sắp đến, mọi người được mạnh khỏe, lúa về đầy nhà.

Dịp cuối năm, chị Hồ Thị Xưa, ở thôn 1, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn dậy sớm hơn mọi ngày. Chị Xưa tất bật chọn những củ sắn ngon nhất để ủ ché rượu cần, rồi đong vài lon gạo nếp ngon gói bánh làm mâm cơm cúng. Chị Hồ Thị Xưa kể, trước tết một tuần, chồng chị cùng thanh niên trong làng lên rừng đặt bẫy, bắt được vài chục con chuột núi và sóc, xuống suối bắt cá, ếch về làm mâm cúng. Tết mùa năm nay, vì ảnh hưởng dịch bệnh nên gia đình chị không tổ chức đông đúc như mọi năm mà chỉ gặp gỡ một vài gia đình trong thôn.

Những năm chưa có dịch, trong lễ tết mùa, người Bhnoong tập trung ăn Tết lớn, nhảy múa bên nhau.

Mâm cúng của người Bhnong có rượu cần, rượu trắng, thịt chuột rừng, cá chua, cơm mới, thịt lợn rừng, bánh lá đót. Điều đặc biệt trong các món ăn, đồ uống của bà con là chỉ dùng những loại lá cây sẵn có trên nương rẫy làm gia vị.

Chị Hồ Thị Na, người dân xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn cho biết, chính những nguyên liệu thiên nhiên ban tặng này đã tạo nên nhiều món ăn đặc trưng, mang hương vị riêng có của đồng bào Bhnoong: “Thường thường ngày Tết bà con chỉ dùng ớt, tiêu rừng, gừng, xả, mè. Những món người dân nấu đều không dùng đến hành, tỏi nhưng nói chung phải cay”.

Theo phong tục của người Bhnoong, hàng năm vào khoảng tháng 11, 12 Âm lịch, sau mùa thu hoạch lúa rẫy, bà con ăn Tết mùa trong 10 ngày. Những già làng có uy tín sẽ chọn ngày để ủ ché rượu cần. Khi đã chuẩn bị đủ lễ vật, già làng sẽ đánh một tiếng trống báo hiệu ngày Tết bắt đầu.

Mâm cơm cúng của Tết của người Bhnoong.

Theo truyền thống, người Bhnoong ăn Tết lớn nhất vào ngày đầu và ngày thứ 9 trong 10 ngày Tết mùa. Nếu trong khoảng thời gian này, trong làng có người qua đời hay sinh đẻ, làng sẽ tổ chức Tết mùa vào ngày khác. Những năm trước, suốt thời gian diễn ra lễ hội, ngoài ăn riêng theo từng hộ gia đình, đồng bào Bhnoong thường đón khách và ăn uống chung tại nhà rông của làng. Thanh niên nam nữ cùng múa hát, mừng ngày tết mùa thâu đêm suốt sáng.

Già làng Vũ Xuân, 75 tuổi, ở thị Trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, Tết mùa là phong tục được đồng bào truyền giữ từ bao đời nay. Cho dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng người Bhnoong vẫn nhớ ngày Tết của dân tộc mình. Trong những ngày Tết này, bản sắc dân tộc được thể hiện rõ nhất, mọi người mặc những bộ quần áo đẹp nhất, uống rượu cần, nhảy múa bên nhau.

Già làng Vũ Xuân nói, năm nay, vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, bà con trong thị trấn không tổ chức lễ Tết mùa tập trung tại nhà rông mà chia ra theo từng thôn, tự chọn ngày tổ chức: “Trong thời gian cúng tết thì người dân cúng rừng, cúng núi, cúng Giàng phù hộ cho năm mới an khang, thịnh vượng nhưng cấm tuyệt đối không được chặt phá rừng. Vì rừng thiêng liêng lắm! Ngày xưa cũng nhờ có rừng mà người dân mới có đường xanh đi làm bẫy, làm rừng, có cái ăn, cái mặc”.

Người Bhnong tin rằng, xung quanh cuộc sống của dân làng có rất nhiều vị thần như thần Sông, thần Núi, thần Lửa, thần Lúa…, luôn dõi theo, bảo vệ, phù hộ dân làng. Vì vậy, Tết mùa là dịp để dân làng tỏ lòng biết ơn với các vị thần linh đã giúp họ có một vụ mùa tươi tốt; ban cho người già, trẻ nhỏ có sức khỏe, ít ốm đau và cầu mong cho mùa vụ mới bội thu, cuộc sống dân làng sung túc hơn.

“Ăn Tết phải đoàn kết. Cầu mong cho mọi người được mạnh khỏe, lúa nhiều. Tạ ơn thần Lúa đã phù hộ cho bà con được lúa trĩu bông. Lễ Tết này gia đình nào cũng được tham gia. Qua đây giúp cho con cháu nhớ về cội nguồn của mình” - đó là chia sẻ của già làng Hồ Văn Hạnh ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn khi nhắc tới ý nghĩa về cái Tết riêng của dân tộc mình.

Xuân mới đã gõ cửa từng nóc nhà, từng góc núi. Bà con Bhnoong ở huyện miền núi cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam tất bật cho mùa lúa rẫy mới. Những ngày Xuân ấm áp, dù không được tập trung đông đúc để cất vang tiếng cồng chiêng, say sưa múa hát, quây quần bên ánh lửa bập bùng như mọi năm, nhưng trong cuộc sống của mỗi người dân Bhnoong nơi đây đều chung một niềm vui vì qua 2 năm dịch bệnh cả bản làng vẫn bình yên.

Tết với đồng bào Bhnoong nơi đây thật gọn nhẹ nhưng vui tươi, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, đầy khát vọng vươn lên của đồng bào vùng miền núi cao phía Tây tỉnh Quảng Nam./.

Theo Phương Cúc/VOV-miền Trung

 https://vov.vn/van-hoa/doc-dao-tet-mua-cua-nguoi-bhnoong-o-vung-cao-quang-nam-post920543.vov