Cập nhật: 30/01/2022 11:47:00
Xem cỡ chữ

Để chấn chỉnh, lập lại kỷ cương thực thi pháp luật về đất đai, năm 2021, Thường trực Tỉnh ủy đã giao chỉ tiêu cụ thể cho Ban Thường vụ các huyện, thành phố về xử lý vi phạm mới và các tồn tại về đất đai. Do vậy, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm luật đất đai trên địa bàn và đạt được kết quả tích cực.

Xác định việc xử lý các tồn tại vi phạm đất đai cũ, ngăn ngừa giải quyết các trường hợp vi phạm mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm đảm bảo nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí cũng như ổn định an ninh chính trị. Các địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết tồn tại, vi phạm đất đai trên địa bàn, trong đó, tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu rộng chủ trương, kế hoạch xử lý vi phạm đất đai đến cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể Nhân dân. Xem xét trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương khi để xảy ra các vi phạm mới trên địa bàn mà không kịp thời có biện pháp giải quyết. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong giải quyết các tồn tại, vi phạm về đất đai như: việc chuyển đổi, vi phạm lấn chiếm xảy ra từ lâu, có nguồn gốc đất phức tạp, hồ sơ về đất đai và hồ sơ về công tác xử lý vi phạm trước đây bị thất lạc; công trình đất vi phạm là nhà xưởng kiên cố, máy móc, thiết bị có trọng lượng, giá trị lớn, xong các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung giải quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, tồn tại về đất đai, nhất là các trường hợp vi phạm đất đai phát sinh mới.

Hết năm 2021, 7/9 huyện, thành phố đã xử lý, giải quyết xong các vụ việc vi phạm mới về đất đai; 100% các địa phương hoàn thành chỉ tiêu được giao về giải quyết các vụ việc vi phạm đất đai còn tồn đọng. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.

Tạ Hương