Với những người con xa quê hương, dịp Tết đến Xuân là khoảng thời gian họ chờ đợi nhất sau những ngày tháng nỗ lực, vất vả, mưu sinh vì cuộc sống nơi đất khách quê người.
Các phật tử tập trung gói bánh chưng tại Chùa Phổ Đà ở thủ đô Berlin, CHLB Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Tết là sum vầy, Tết là đoàn viên và Tết là để trở về-đó là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Với những người con xa quê hương, dịp Tết đến Xuân về lại càng có ý nghĩa hơn, bởi đây là khoảng thời gian họ chờ đợi nhất sau những ngày tháng nỗ lực, vất vả, mưu sinh vì cuộc sống nơi đất khách quê người.
Chỉ có những người đi xa rồi mới cảm nhận rõ tâm trạng ấy.
Chúng tôi xa nhà đi công tác đúng vào dịp Tết Nguyên đán, những ngày này, nỗi nhớ gia đình và quê hương lại càng quay quắt khi không được trở về bên cạnh người thân, không được ăn bữa cơm chiều 30 Tết, chứng kiến cảnh tấp nập của người mua kẻ bán, tiếng cười rộn rã của những đứa trẻ trong gia đình, hay chỉ là không khí ấm áp của những buổi chiều tối dọn dẹp, trang trí nhà cửa...
Những lúc công việc bù đầu, tưởng chừng nỗi nhớ ấy được nguôi ngoai, nhưng rồi, khi trở về mỗi tối, hình ảnh thân thương quê nhà lại hiện lên.
Đằng sau những cuộc điện thoại của người thân, đâu đó trên mạng xã hội Facebook, bạn bè kể chuyện không khí chuẩn bị Tết, nào bánh chưng, nào mứt, nào đào, mai…, là những giọt nước mắt, là nỗi mong mỏi và chạnh lòng khôn nguôi.
Câu chuyện của anh Lê Thanh Hải, một người đang sống và làm việc ở Cộng hòa Liên bang Đức mà chúng tôi tình cờ gặp trong buổi đi chợ Tết đã khiến chúng tôi thực sự xúc động.
Dường như cũng tìm được sự đồng cảm ấy, anh chia sẻ rằng Tết Nguyên đán là dịp vô cùng đặc biệt đối với cộng đồng người Việt tại Đức trong nhiều năm qua. Mỗi năm Tết đến Xuân về, ai ai cũng mang một tâm trạng nhớ nhà, nhớ về cội nguồn.
Với bản thân anh, tâm trạng bồi hồi, xúc động, buồn vui lẫn lộn. Anh tâm sự rằng buồn vì xa quê, xa bố mẹ, người thân, vui vì những năm tháng được sống và làm được nhiều việc có ích cho gia đình, bản thân và quê hương.
Suốt 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 kéo dài và ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội, khiến anh không thể về thăm quê hương, đặc biệt là tham gia chương trình “Xuân Quê hương 2022,” một sự kiện đã từ lâu thực sự trở thành điểm hẹn nồng ấm tình quê hương do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài-Bộ Ngoại giao tổ chức.
Mặc dù đây đã là năm thứ ba anh không được về thăm quê, nhưng anh cho biết vẫn luôn dõi theo và rất vui khi được biết Đảng, Chính phủ luôn coi những người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc.
Cho dù không khí Tết tại Đức không giống như quê nhà, nhất là lại rơi vào những ngày thường, hầu như bà con vẫn phải đi làm, lo toan cuộc sống. Nhưng mọi người ai ai đều có tâm trạng chung là muốn sắm sửa một cái Tết đủ đầy, dù chỉ là chút hoa quả, mâm cơm thắp hương, nhưng nhất định vẫn phải là những món ăn cổ truyền Việt Nam.
Đây cũng là cách để thể hiện tình cảm và gợi nhớ cho mỗi người chúng ta có một miền quê mà ta không về được.
Với anh Cù Hữu Việt, Giám đốc Công ty thực phẩm ASIA 24 tại chợ Đồng Xuân ở Berlin, cách nhớ quê hương lại thể hiện bằng chính hoạt động của doanh nghiệp mình. Anh cho biết đáp ứng đủ những mặt hàng thiết yếu cho bà con người Việt trong những ngày này chính là mang lại niềm vui cho những người xa quê.
Theo chia sẻ của anh, người Việt có tâm lý mua sắm những đồ dùng thiết yếu để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Cứ đến dịp này, sau Tết ông Công ông Táo, bà con tranh thủ đến chợ rất đông để mua đồ để chuẩn bị cho mâm cơm gia đình.
Đến đây họ cảm giác được như trở về nhà, được mua bán, nói cười bằng ngôn ngữ của mình, được nhìn những món ăn, những mặt hàng Việt như ngay trên quê hương.
Dịch bệnh kéo dài trong 2 năm qua, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức mua của mọi người do thu nhập giảm. Cũng do tình hình dịch bệnh, khả năng sản xuất và cung ứng hàng hóa bị ảnh hưởng, nhiều mặt hàng thiếu và tăng giá do vận chuyển khó khăn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp của anh vẫn cố gắng tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu hoặc đặt mua từ những nước lân cận những mặt hàng thiết yếu để phục vụ bà con người Việt.
Cũng là một người con xa quê, anh cảm thấy rất bồi hồi, xúc động mỗi khi nhớ đến Tết cổ truyền cũng như không khí tại quê nhà. Xa nhà đã nhiều năm, nỗi nhớ vào những dịp Tết đến Xuân về lại nhân lên theo năm tháng.
Cũng giống rất nhiều người Việt xa quê khác, năm nào cũng vậy, ngoài mâm cơm cuối năm, gia đình anh luôn cố gắng để có được cành đào hoặc cây quất để tạo ra không khí đầm ấm bên nhau.
Anh khẳng định đây là cách truyền lại nét văn hóa dân tộc để con cái và người thân luôn nhớ Tết là sum vầy, Tết là đoàn viên và Tết là để trở về./.
Theo Mạnh Hùng-Phương Hoa-Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/xuan-nham-dan-2022-tet-sum-vay-cua-kieu-bao-viet-tai-duc/770997.vnp