Cập nhật: 30/01/2022 14:15:00
Xem cỡ chữ

Trong những ngày Tết, thói quen sinh hoạt hàng ngày của nhiều người bị đảo lộn, thường "ăn uống thả ga", thất thường, không đúng bữa, không vận động cơ thể... dẫn đến một số bất lợi về sức khỏe.

Cảnh giác hội chứng tim sau kỳ nghỉ

Nghiên cứu cho thấy, sau các ngày nghỉ lễ Tết, số ca tử vong do nhồi máu cơ tim ở nam giới dưới 50 tuổi cao hơn 19% so với những ngày bình thường. Ðặc biệt, rất nhiều người phải đi khám vì khó chịu ở ngực, ngất… do suy tim ứ huyết, tăng huyết áp, tai biến mạch não, rối loạn nhịp tim... Các triệu chứng này được gán cho cái tên "Hội chứng tim sau kỳ nghỉ".

Uống quá chén...

Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy khoảng 5-10% những bệnh nhân dùng rượu nhiều trong ngày Tết hay nghỉ lễ dài có hội chứng tim. Ở nước ta, dù không có một thống kê chính xác nhưng ngày càng nhiều bệnh nhân rối loạn nhịp tim vì dùng rượu đã phải đến bệnh viện khám.

Giúp người bệnh tim mạch ăn Tết vui khỏe - Ảnh 1.

Sau những đợt nghỉ kéo dài như Tết Nguyên đán, số người mắc bệnh tim mạch và tử vong do tim mạch tăng cao. Nguyên nhân một phần là do chế độ sinh hoạt những ngày Tết, vui quá độ, uống quá chén là yếu tố quan trọng khởi phát bệnh và gây ra các biến chứng. Bệnh thường gặp ở nam giới lứa tuổi 30-55, có uống nhiều rượu, thậm chí cả bia và rượu vang.

Uống quá nhiều rượu trong một thời gian dài có thể gây ra các biến chứng tim mạch trầm trọng như suy tim, ứ huyết, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, rối loạn nhịp tim và... đột tử. Nghiện rượu là một nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh cơ tim giãn thứ phát không do thiếu máu cục bộ cơ tim và chiếm tới 1/3 các bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn.

Ảnh hưởng của tâm lý và thể lực

Nguy cơ bị bệnh động mạch vành tăng cao vào các ngày đầu năm so với những ngày khác trong năm. Nguyên nhân có thể là do chủ quan của bệnh nhân bị bệnh vào ngày nghỉ Tết nhưng trì hoãn không đi viện, hoặc do khách quan là có sự thay đổi trạng thái từ nghỉ ngơi kéo dài trong các ngày nghỉ cuối năm sang trạng thái hoạt động, làm tăng gánh nặng thể lực và tăng áp lực về tinh thần vào ngày đầu năm có thể là yếu tố khởi phát bệnh.

Trong ngày Tết có không ít người thường bận rộn nhiều hơn trong các công việc chuẩn bị đón năm mới, cũng như đi thăm hỏi người thân... Việc tập luyện thể lực cũng thường tạm ngừng. Như chúng ta đã biết, các hoạt động thể lực thường xuyên có tác dụng bảo vệ bệnh động mạch vành, tác dụng này giảm dần và mất hẳn sau vài tuần không tập. Ngược lại, những hoạt động thể lực đột ngột, không thường xuyên vào mùa đông lại làm khởi phát bệnh.

Ảnh hưởng của thời tiết

Khí hậu nước ta khác biệt khá nhiều giữa hai miền Nam - Bắc, nhất là vào dịp Tết, khí hậu thường lạnh ở miền Bắc và nóng ở miền Nam. Tỷ lệ bệnh nhân bị tử vong do nguyên nhân tim mạch ở thời điểm tháng 12 và tháng 1 (mùa đông) cao hơn 33% so với thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9 (mùa hè). Tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim vào các tháng mùa đông tăng 53% so với các tháng mùa hè. Tỷ lệ này tương tự nhau ở cả hai giới.

Một yếu tố thay đổi theo mùa ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong của bệnh nhân là nhiệt độ. Người ta thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa nhiệt độ trung bình của tháng với tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch vành. Nhiệt độ thấp (thời tiết lạnh) làm tăng tiết các catecholamin dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp, do vậy làm tăng nhu cầu ôxy của cơ tim. Ðồng thời, các catecholamin cũng gây co thắt động mạch vành làm giảm cung cấp máu và ôxy cho cơ tim. Nếu động mạch vành của bệnh nhân đã bị tổn thương, có thể sẽ gây ra triệu chứng đau ngực hay gây nhồi máu cơ tim cấp. Huyết áp mùa đông tăng cao hơn huyết áp mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này làm tăng tới 21% các biến chứng tim mạch trong mùa đông cũng như những ngày nghỉ Tết.

Nên lưu ý gì trong ngày Tết?

Dịp Tết, thời gian nghỉ kéo dài và hầu hết ai cũng có tâm lý ăn uống thoải mái. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cần có chế độ ăn uống hợp lý, tránh các tai nạn sức khỏe không đáng có trong dịp Tết.

Bữa ăn ngày Tết nên tăng cường các món rau xanh.

Bữa ăn ngày Tết nên tăng cường các món rau xanh.

Bánh, mứt, kẹo là những món ăn phổ biến trong ngày Tết nhưng người bệnh tim mạch chỉ nên nếm để lấy vị, tốt nhất là không nên ăn. Có thể thay thế bằng các loại bánh quy làm từ ngũ cốc còn nguyên cám hoặc sữa có cơ chế phóng thích đường chậm.

Người bệnh tim mạch nên tránh các loại thức uống có ga, có thể nhấm nháp một chút rượu vang trong khi ăn (khoảng 100ml/tuần). Tuy nhiên, hãy hỏi bác sĩ về lượng rượu có thể uống. Và biện pháp tốt nhất vẫn là nên hạn chế uống rượu.

Ðồng thời, dịp Tết cần phải tích cực ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc; tránh thức ăn chế biến sẵn; dùng dầu ăn thay vì dùng mỡ động vật. Tránh thức ăn và đồ uống có nhiều đường.

Bưởi, táo, dưa hấu, quýt là những loại trái cây chưng Tết rất đẹp và chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe, người bệnh tim mạch có thể ăn nhiều để giúp hạn chế hấp thu chất béo. Ngoài ra, cũng có thể thay thế các món ăn truyền thống bằng nhiều món ngon khác, không cần chế biến nhiều và rất hợp với những bữa tiệc đầu năm như bánh tráng cuốn với cá hấp, lẩu thập cẩm với đủ loại rau củ, rau tươi trộn dầu dấm...

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng thì vẫn nên tăng cường luyện tập, vận động thể chất để đảm bảo sức khỏe, cân bằng năng lượng, giữ gìn trái tim khỏe mạnh.

Theo BS. Quang Anh/suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/giup-nguoi-benh-tim-mach-an-tet-vui-khoe-169220123160125779.htm