Cập nhật: 01/02/2022 07:45:00
Xem cỡ chữ

Yên Bái - Hình ảnh con Hổ trong tranh thờ của người Dao đã có từ lâu đời và được bảo tồn, lưu truyền đến tận ngày nay.

Tranh thờ của người Dao với các nhân vật thần linh huyền bí.

Tranh thờ Đạo giáo của người Dao có từ lâu đời và khá phong phú, được bảo tồn, lưu truyền bền vững, đồng nhất trong các ngành Dao và các nghi lễ thờ cúng của họ. Trong những tranh thờ đó, có khá nhiều bộ tranh, bức tranh khắc hoạ hình con hổ như bộ “Tứ đại nguyên sư” gồm Đặng nguyên sư làm ra sấm sét; Triệu nguyên sư làm ra mưa; Mã nguyên sư làm ra gió; Khang nguyên sư làm ra mây.

Trong đó, Đặng nguyên sư, Khang nguyên sư cưỡi trên mây và sấm chớp, còn Triệu nguyên sư, Mã nguyên sư cưỡi trên lưng hổ.

Ở bức tranh Công tào thiên phủ cưỡi hổ, Công tào địa phủ cưỡi mây đen… Tuy nhiên, có một bức tranh chứa đựng hình ảnh con hổ được dùng nhiều nhất trong hàng loạt nghi lễ cúng của người Dao, đó là bộ “Tứ trực Công tào”.

Đặng Nguyên Sư, Quan Nguyên Sư (tranh bên trái), Triệu Nguyên Sư, Mã Nguyên Sư (tranh bên phải), tranh thờ dân tộc thiểu số. Ảnh: Sách tranh thờ các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động Xã hội, 2006.

Đặng Nguyên Sư, Quan Nguyên Sư (tranh bên trái), Triệu Nguyên Sư, Mã Nguyên Sư (tranh bên phải), tranh thờ dân tộc thiểu số. Ảnh: Sách tranh thờ các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động Xã hội, 2006.

Ý nghĩa của bộ tranh này thể hiện 4 vị thần cai quản vận hành thời gian không ngừng nghỉ của vũ trụ trong mỗi ngày. Cả 4 vị công tào đều vận trang phục, đội mũ cánh chuồn, cưỡi 4 con vật linh: Hổ, rồng, ngựa trắng, phượng, tay cầm cờ hiệu, tay cầm thẻ lệnh truyền báo lên thiên đình công việc cai quản của mỗi vị trong khoảng thời gian nhất định trong ngày như: trực nửa đêm, trực rạng đông, trực giữa ngày và trực lúc hoàng hôn.

Cùng với trông coi thời gian, “Tứ trực Công tào” còn tượng trưng 4 chòm sao lớn ở bốn phương trời: Sao hư ở phương Bắc trực mùa đồng; Sao Mã ở phương Tây trực mùa Thu; Sao Tinh ở phương Nam trực mùa Hè; Sao Phòng ở phương Đông trực mùa Xuân.

Vì có các công tào thay nhau cai quản cả ngày, nên dù con người làm bất cứ việc gì tốt xấu ở đâu thì các vị thần này đều biết và sẽ báo cáo lên thiên đình để giáng hoạ hay phúc nhằm tạo sự công bằng cho hành vi của mỗi người.

Tứ Trực Công Tào, tranh thờ người Dao. Ảnh: Sách Tranh thờ Đạo giáo của Phan Ngọc Khuê, Nhà Xuất bản Mỹ thuật, 2001.

Tứ Trực Công Tào, tranh thờ người Dao. Ảnh: Sách Tranh thờ Đạo giáo của Phan Ngọc Khuê, Nhà Xuất bản Mỹ thuật, 2001.

Từ tính biểu trưng của tranh “Tứ trực Công tào” cho thấy, triết học cổ xưa của người phương đông đã có lý giải rất khoa học về sự vận động không ngừng nghỉ của thời gian, vũ trụ. Sự vận động chuyển tiếp liên tục của 4 vị thần cũng chính là sự chuyển động của đêm, ngày, tháng, năm; xuân, hạ, thu, đông và 4 phương trời: Đông – Tây – Nam – Bắc mang tính vận động bất biến.

Đồng thời ý nghĩa lớn nữa của bức tranh “Tứ trực Công tào”, đó là phản ánh triết lý mang tính thống nhất chặt chẽ của quy luật tồn tại giữa thiên nhiên và con người. Do đó, việc người Dao sử dụng bức tranh này trong rất nhiều nghi lễ như: Cúng đầu năm mới, lễ cấp sắc, lễ cầu mùa… cũng chính là để phổ biến cho cộng đồng nhận thức sâu sắc về sự vận động của vũ trụ.

Từ sự nhận thức này, sẽ tạo được khả năng hoà hợp giữa con người với thiên nhiên cũng như tạo ra năng lực lao động sản xuất, duy trì sự tồn tại của con người. Đặc biệt, những yếu tố tâm linh trong bộ tranh này còn hướng con người luôn phải tự soi xét và thực hiện hành vi của mình một cách tích cực, hướng thiện để cuộc sống cộng đồng luôn tốt đẹp.

Theo HOÀNG NHÂM/ laodong.vn

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/hinh-anh-con-ho-trong-tranh-tho-cua-nguoi-dao-tay-bac-996900.ldo