Không khí se lạnh của những ngày đầu Xuân thường khiến mỗi người chúng ta nghĩ đến phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tục ăn trầu là một trong những nét đẹp như vậy…
Ăn trầu là một phong tục truyền thống của người Việt. (Ảnh: CTV).
Từ bao đời nay, miếng trầu quả cau luôn mang đậm truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Vị cay của lá trầu, vị chát nhẹ của miếng cau kết hợp cùng vị đắng nồng của vôi trắng cùng hòa quyện vào nhau để tạo thành màu đỏ tươi đặc trưng. Theo quan niệm truyền thống, màu đỏ tươi là tượng trưng cho sự đầm ấm, sum vầy và may mắn. Đó cũng là những điều mong muốn lớn nhất của mỗi người Việt Nam trong mỗi dịp đầu năm mới.
Theo phong tục của cha ông ta, quả cau miếng trầu thường không thể thiếu được trong những ngày vui trọng đại như đám cưới, đám hỏi, ngày giỗ ông bà tổ tiên hoặc trong những ngày Tết đến, Xuân về. Đối với mọi người, trầu cau là biểu hiện cho tình cảm nồng ấm, thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ đi trước. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, khi khách đến thăm nhà, điều trước tiên gia chủ thường mời khách uống nước, ăn trầu. Miếng trầu như gạch nối, như sự khởi đầu cho những mối quan hệ tốt đẹp, nghĩa tình. Đặc biệt, trong tiềm thức của người xưa, việc têm trầu còn thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ. Nhìn cách têm trầu, có thể phần nào đánh giá được tính nết của người phụ nữ. Miếng trầu têm vụng về là người không khéo tay, luộm thuộm. Têm trầu nhiều vôi là người không biết tính toán, sắp xếp công việc…
Thực tế, ăn trầu không chỉ là thói quen mà còn có ý nghĩa về mặt khoa học, được đúc rút kinh nghiệm qua nhiều thế hệ người Việt. Bởi ngoài việc có tác dụng giữ cho hàm răng được bền, chắc khỏe và tránh sâu răng, thì miếng trầu còn có tác dụng kích thích sự tiêu hóa, làm cho dịch vị tiết ra nhiều hơn. Những người dùng trầu cau thường ăn uống dễ tiêu, không bị đầy hơi, chướng bụng, không ợ hơi, sình bụng. Đồng thời, trong y học dân tộc, lá trầu còn được biết đến như là một vị thuốc quý được nhân dân ta dùng chữa nhiều bệnh, từ việc chữa bỏng, rửa vết thương, chữa mụn nhọt đến đánh gió, chữa cảm mạo…
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến bà ngoại của mình. Ngày ngoại còn sống, tôi rất thích nhìn ngoại nhai trầu với đôi môi đỏ tươi như tô son và hàm răng đen óng. Cũng như những người già khác trong làng, ngoại luôn mang theo mình một chiếc cối giã trầu xinh xắn bằng đồng, kèm theo là một chiếc chày nhỏ, một ống đựng vôi, chiếc túi nhỏ đựng trầu, cau và vài miếng vỏ. Theongoại, để têm được miếng trầu đẹp, đòi hỏi người têm trầu phải khéo tay; gấp nếp miếng trầu phải thật vuông vắn; cài lá trầu gọn gàng, khít chặt…
Miếng trầu têm cánh phượng thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Việt. (Ảnh: CTV).
Có lẽ xuất phát từ sự gần gũi, mộc mạc nên ăn trầu không chỉ có trong những câu chuyện cổ tích như “Sự tích trầu cau”, mà còn đi vào thơ, ca một cách dịu dàng đến tình tứ: "Nhà anh có một giàn trầu / Nhà em có một giàn cau liên phòng / Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông / Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?" (Nguyễn Bính).
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, hình ảnh những bà, những chị ăn trầu bây giờ cũng dần ít đi. Nhưng tục ăn trầu vẫn luôn là một nét văn hóa không phai nhòa trong tâm hồn người Việt. Trong lễ cưới hỏi, những mâm lễ luôn đi kèm với mâm trầu cau cùng những miếng trầu têm cánh phượng. Mâm trầu cau ấy được đem chia cho hai họ, mời mọi người, càng tỏ ra tình thân mật giữa nhà trai, nhà gái và sau đó đem biếu cho anh em, bà con làng xóm cũng là để báo tin vui, con gái mình đã xây dựng gia đình.
Và đến ngày Tết, trong các mâm thờ cúng dâng ông bà tổ tiên không thể thiếu quả cau, miếng trầu. Trầu cau luôn được đặt ở vị trí trang trọng trên bàn thờ - là lễ vật dùng để thắp hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên... Vậy nên, cùng với mâm ngũ quả, cành đào, cành mai,… mỗi gia đình đều chọn cho được quả cau xanh óng, lá trầu đẹp là thể hiện mong muốn một năm mới may mắn và tràn đầy nghĩa tình.
Miếng trầu mộc mạc, bình dị nhưng luôn chứa đựng rất nhiều tình cảm và ý nghĩa. Thời gian trôi đi, xã hội phát triển…, song tục ăn trầu vẫn mãi là một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tục ăn trầu cũng đi liền với những mong muốn về cuộc sống đầm ấm, sum vầy và may mắn của mỗi người Việt Nam, nhất là trong dịp đầu Xuân năm mới./.
Theo Nguyễn Thị Hoàn/dangcongsan.vn