Cập nhật: 03/02/2022 09:15:00
Xem cỡ chữ

Trong tâm thức dân gian, hổ là loài vật biểu tượng của quyền lực, có sức mạnh chinh phục muôn loài, chúa tể sơn lâm, bởi vậy hổ được thiêng hóa và trở thành biểu trưng của quyền uy, sức mạnh.

Trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, hình ảnh con hổ gợi lên những liên tưởng về sức mạnh, sự thanh thế, oai linh, vẽ đẹp rực rỡ nhưng đầy bí hiểm, sự uyển chuyển với cơ thể vằn vện thấp thoáng lượn sóng cũng tính hung hãn, thú tính của một động vật săn mồi hàng đầu và là một biểu tượng của đẳng cấp chiến binh.

Ở Việt Nam, dù là con vật hoang, rất ít khi được thuần phục nhưng hổ đã có sự gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân Việt, trong đời sống thường nhật và tôn giáo. Đối với văn hóa Việt Nam, hổ là biểu tượng của sự hùng cường, thể hiện sức mạnh vô song. Do sức mạnh và sự nhanh nhẹn của chúng, hổ được phong là chúa sơn lâm.

Theo TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, hình tượng hổ có lịch sử lâu đời trong văn hóa Việt Nam. Các tài liệu liên quan chứng minh hổ là đối tượng sùng bái và là vật tổ của nhiều bộ tộc từ thời tiền sử. Cùng với diễn trình lịch sử, văn hóa Việt Nam, hình tượng hổ có những diễn biến và ý nghĩa tương ứng, từ ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, biểu tượng vương quyền đến những vật dụng, trang trí đời sống sinh hoạt thường nhật trong dân gian; tạo hình, phong cách, ứng dụng, ý nghĩa của mỗi thời đại cũng tồn tại những khác biệt.

Tranh ngũ hổ Hàng Trống (Ảnh tư liệu) 

Điều thú vị là cùng với tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam, hình tượng hổ xuất hiện với nhiều biến thể đa dạng, phong phú trên các loại hình, chất liệu khác nhau từ tượng thờ, vật liệu trang trí, tranh thờ dân gian mang nhiều ý nghĩa, gắn với đời sống tâm linh, tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Chúng ta thấy hổ là linh vật trấn giữ đền miếu, tam quan, đứng bên các trục thần đạo trong lăng mộ. Nhiều đền, miếu còn có ban riêng thờ ông hổ, ở miền Nam còn lập đền thờ ông hổ với ý nghĩa giống như đền thờ cá ông. Ngoài ra, hình tượng hổ được tạc chầu trong các ban thờ Mẫu với các màu sắc tượng trưng cho ngũ hành, trấn giữ các phương.

Đặc biệt, hình tượng con hổ đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa của cư dân Việt. Những chiếc trống đồng Đông Sơn có cách đây khoảng 2.500 đến 3.000 năm tuổi, nhưng trên mặt trống đã xuất hiện hình con hổ. Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá sự xuất hiện hình ảnh hổ trong nghệ thuật Đông Sơn có liên quan đến quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này, cũng như có thể liên quan đến tín ngưỡng thờ vật tổ, tín ngưỡng vạn vật hữu linh của cư dân thời kỳ này.

Con hổ là một đối tượng đặc biệt trong cuộc sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam xưa nay cho nên các triều đại phong kiến coi hổ, rồng là những biểu trưng vương quyền. Vì vậy, hình ảnh hổ xuất hiện phổ biến và trang trọng nơi cung cấm. Từ thời Trần (1225 - 1400), hổ xuất hiện với tạo hình khoẻ khoắn, sinh động, thể hiện sự dũng mãnh, oai phong, đồng thời được coi như linh thú trấn yểm, bảo vệ các lăng mộ... Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: “Tượng hổ trong các lăng mộ thế kỷ 13-18 có vẻ oai phong, cương nghị nhưng mang tính chất canh giữ nhiều hơn là vẻ hung dữ, đe dọa, khiến người ta sợ hãi”.  

Hổ cũng là đối tượng nghệ thuật hấp dẫn thể hiện trên các vật dụng sinh hoạt thường ngày, nơi thờ tự, nhà cửa. Hình ảnh hổ trong điêu khắc đình làng thể hiện trong một thế giới gần gũi, thân quen, không bị lệ thuộc, gò bó về tạo hình, đa dạng về thủ pháp, giản lược về hình thức, thể hiện cái nhìn hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh, đầy sức sống của nghệ thuật dân gian truyền thống.

Ngoài ra, hình ảnh con hổ đi vào nền văn hoá dân gian Việt Nam với những biểu hiện, những hình thức phong phú và đặc sắc. Theo thống kê sơ bộ, người Việt Nam có hơn 1.200 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca liên quan tới hổ. Hổ còn là đề tài trung tâm của nhiều câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại. Con hổ còn xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam và những bức tranh thờ Hàng Trống đã trở thành mẫu mực trong tranh Việt Nam.

Hình ảnh con hổ đi vào nền văn hoá dân gian Việt Nam một cách phong phú, đa dạng và đặc sắc. Điều đó chứng tỏ vị trí quan trọng của nó trong đời sống văn hóa của người dân. Có thể nói hình tượng hổ Việt Nam rất độc đáo, từ các biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng đến đời sống sinh hoạt thường nhật, góp những nét đặc sắc vào lịch sử mỹ thuật nước nhà.

Theo Ngọc Khánh/dangcongsan.vn

https://dangcongsan.vn/mung-dat-nuoc-doi-moi-mung-dang-quang-vinh-mung-xuan-nham-dan-2022/tet-viet/hinh-tuong-con-ho-trong-van-hoa-viet-nam-603089.html