Cập nhật: 04/02/2022 15:19:00
Xem cỡ chữ

Sau thành công từ bộ sưu tập 1010 tượng trâu kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội và Xuân Tân Sửu 2021, họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã miệt mài tạo tác 2.022 chú hổ sơn mài để chào năm mới Nhâm Dần 2022. Với anh, đây không chỉ là thử thách đam mê sáng tạo của bản thân mà còn là cách anh thể hiện tình yêu văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát miệt mài tạo tác 2.022 chú hổ sơn mài để chào năm mới Nhâm Dần 2022. Ảnh: MINH DUY

Những ngày này, khi đến với làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), du khách hẳn sẽ ngạc nhiên thích thú khi được chiêm ngưỡng hàng trăm tượng chú hổ ngộ nghĩnh, đáng yêu trưng bày trong không gian xưởng chế tác của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tại thôn Mông Phụ. Được làm hoàn toàn thủ công, cho nên mỗi tác phẩm đều là độc bản, không giống nhau. Trái ngược với hình dung thường thấy về dáng vẻ dữ tợn, hoang dã của loài hổ, những chú hổ được sáng tạo bởi nghệ nhân sinh năm 1983 hiện lên đầy gần gũi, đáng yêu. Nguyễn Tấn Phát chia sẻ, lâu nay hình tượng hổ vẫn luôn là đề tài hóc búa đối với nhiều lĩnh vực sáng tạo và gần như chỉ được dùng trong tín ngưỡng tâm linh, rất khó đi vào không gian nội thất của người Việt, nhưng với bộ sưu tập 2.022 bức tượng và phù điêu về hổ, anh muốn thay đổi điều đó. Có lẽ bởi thế mà ngắm nhìn đàn hổ của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, có thể bắt gặp những hình ảnh đầy thú vị như người đánh trống, chơi đàn trên lưng hổ, tổ chim trên mình hổ… Những tích truyện gắn liền văn hóa dân gian đã được anh khéo léo vận dụng vào quá trình sáng tạo để mang đến vẻ đẹp vừa oai hùng lẫm liệt, vừa thân thiện, dễ mến cho những chú hổ sơn mài. Bên cạnh những tác phẩm mô tả dáng vẻ thực của hổ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn làm nên những bức tượng, phù điêu cách điệu, đưa hình tượng hổ về các hình khối đơn giản, khúc chiết gắn với núi đồi, đền miếu, hay tạo cho tác phẩm nhiều công năng sử dụng như ghế ngồi, hộp, khay, lọ hoa…, mang đến tính ứng dụng cao đối với không gian nội thất.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ấp ủ thực hiện bộ sưu tập này từ hai năm trước và cách đây hai tháng, những tác phẩm đầu tiên bắt đầu thành hình. Nhìn những chú hổ bóng bẩy với tạo dáng sinh động cùng những hoa văn cổ mềm mại mang hình mây, rồng, chữ thọ…, thoạt đầu ít ai nghĩ chúng được làm chủ yếu từ gỗ mít và đá ong-những nguyên liệu phổ biến của miền trung du Sơn Tây. Trong đó, đá ong là chất liệu mới vừa được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tìm tòi và ứng dụng năm nay. Anh cho hay, đá ong mang vẻ đẹp thâm trầm và thường được sử dụng trong kiến trúc xây dựng. Với bộ sưu tập hổ, anh muốn đưa thêm chất liệu này vào đồ lưu niệm để mang đến những đột phá về mỹ cảm cho tác phẩm. Sử dụng hoàn toàn những nguyên liệu bản địa kết hợp nghệ thuật sơn mài thuần dân tộc, Tấn Phát khao khát làm nên những tác phẩm mang đậm giá trị truyền thống và tinh thần Việt, đồng thời khẳng định nguồn tài nguyên nghệ thuật phong phú, đa dạng của đất nước ta là cơ hội sáng tạo vô tận cho nghệ sĩ.

Nguyễn Tấn Phát cho biết, để hoàn thành mỗi chú hổ cần trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là lên ý tưởng, sau đó tạo hình với đất, tiếp đến mới đục trên gỗ, sau khi gỗ khô thì tiến hành khảm trai, khảm trứng, khảm đồng rồi phủ mầu để tạo thành những tác phẩm sơn mài truyền thống. Riêng với phủ mầu cũng cần phủ khoảng mười lớp khác nhau để khi mài tạo được những vân mầu đẹp. Mỗi lớp mầu mất khoảng 1,5 ngày mới khô, tiếp đó lại được mài và dán vàng, dán bạc…

Hoàn thiện tác phẩm cần trung bình 40 ngày. So với bộ sưu tập trâu được thực hiện năm 2021, bộ sưu tập hổ năm nay của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát không chỉ phong phú hơn về kiểu dáng, chất liệu mà còn đa dạng hơn về kích thước. Có những tác phẩm chỉ nhỏ chừng 10 cm x 10 cm; nhưng cũng có những tác phẩm kích thước lớn 50 cm x 200 cm. Đặc biệt, tác phẩm khiến anh tâm đắc và mất nhiều thời gian thực hiện nhất là bộ ghế ngũ hổ tượng trưng cho ngũ hành với năm mầu sắc khác nhau có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng.

Mỗi chiếc ghế nặng tầm 60 kg, kích thước 1,2 m x 1,5 m được tạo dáng công phu kết hợp sơn mài khảm trứng. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết đến thời điểm này, anh đã thực hiện được khoảng 500 tác phẩm và sẽ cố gắng hoàn thiện bộ sưu tập 2.022 bức tượng, phù điêu hổ trong dịp Tết Nguyên đán để tổ chức trưng bày, triển lãm vào dịp 30/4-1/5/2022.

Theo TRANG ANH/nhandan.vn

https://nhandan.vn/vanhoa/2-022-chu-ho-son-mai-don-xuan-nham-dan-684660/