Cập nhật: 06/02/2022 09:05:00
Xem cỡ chữ

 Lễ hội Quỹa Hiéng hay Lễ hội qua năm của người Dao đỏ, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang thường được tổ chức tại nhà các già làng, trưởng bản vào ngày cuối tháng 12 âm lịch. Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Dao, việc tổ chức thờ cúng tổ tiên là một nét văn hóa không thể thiếu, đồng thời phản ánh những tri thức văn hóa dân gian, quan niệm về thế giới nhân sinh quan gắn liền với tín ngưỡng nông nghiệp của cộng đồng cư dân nơi đây.

Thầy cúng dùng hai mảnh sừng trâu để xin âm dương

Những bước chuẩn bị cho lễ hội Quỹa Hiéng

Để chuẩn bị cho buổi lễ, các thầy cúng (còn gọi là Sài ông) cùng gia đình lập 3 đàn lễ. Đàn lễ thứ nhất gọi là Bứa Hiéng (tức bàn thờ tổ tiên tông tộc). Đàn lễ thứ hai là Sáng Chà Phin (tức đàn cúng thế giới thần linh và các ma là tổ tiên của nghề thầy cúng gọi là Sài Tía). Đàn lễ thứ 3 gọi là Sám Háng (tức là mâm cúng các ma là linh hồn của những người khi sống không nhà không cửa).

Lễ vật dâng cúng là những sản vật nông lâm nghiệp được chính các hộ gia đình trong bản nuôi trồng chế biến như thịt gà, cơm, rượu, các loại bánh, hương tiền, đèn nến. Trong số các lễ vật dâng cúng, có một số vật phẩm không thể thiếu, đó là bát gạo gói trong một mảnh vải mộc màu trắng phía trên có để một chiếc vòng tay bằng bạc như một lời tạ ơn với tổ tiên, trời đất.

Các hoạt động chính trong lễ hội Quỹa Hiéng

Lễ vật gồm có: thịt gà, cơm, rượu, các loại bánh, hương tiền, đèn nến, bát gạo và một chiếc vòng tay bằng bạc 

Sau khi sắp xong 3 đàn lễ, các con cháu ngồi xung quanh để dâng lễ. Ở đàn cúng Bứa Hiéng, khi cúng người thầy cúng thắp đèn, rót rượu và đốt 6 hoặc 10 nén hương rồi chia đều cắm vào 2 ống hương sau đó vái lạy ba lần và bắt đầu cúng bài cúng bằng tiếng Nôm - Dao với nội dung nhắc lại quá trình hình thành các dân tộc và các tộc họ người Dao cũng như quá trình thiên di sang Việt Nam sinh sống và tồn tại đến nay. Trước khi kết thúc bài cúng (thường kéo dài khoảng 45 - 60 phút), thầy cúng dùng hai mảnh sừng trâu (Cháo) để xin âm dương, nếu một mảnh sấp một mảnh ngửa thì lễ vật đã được chấp nhận, nếu hai mảnh đều sấp hoặc đều ngửa là chưa được thì phải tiếp tục cúng đến khi xin được âm dương.

Ở đàn cúng Sáng Chà Phin, trước khi cúng thầy cúng thắp đèn đốt 6 nén hương và chia đều cắm vào hai ống hương, sau đó rót rượu vào 5 chiếc chén rồi bắt đầu bài cúng bằng tiếng Nôm - Dao. Kể về công ơn của ba anh em là Duồn Sỉ, Lềnh Pú, Tù Tá là những người đã có công giúp người Dao chống lại ma tà quỷ dữ… bảo vệ cuộc sống, sau khi thác về trời đã được phong thần nên được coi như ông tổ của người Dao và được xếp ngang hàng với tổ tiên.

Cũng giống như hai đàn cúng trước, ở đàn cúng Sám Háng trước khi hành lễ thầy cúng thắp đèn, đốt ba nén hương và rót rượu ra chén, sau đó mở đầu bài cúng bằng việc nhắc lại chi tiết Phụ Hỡi và Chới Mủi sinh ra loài người và lập nên vũ trụ, sau đó thổi một hồi tù và mời tất cả các loại ma (Miến) của dòng tộc (là ma của những người chết từ đời thứ 3 trở lại) cùng các loại ma chúng sinh không nhà không cửa đến dự lễ, đồng thời mời các ma là tổ tiên của nghề thầy cúng đến giúp thầy cúng vận chuyển đồ lễ về cõi âm sau đó biến hoá sinh sôi để các ma dưới cõi âm tích trữ sử dụng đủ trong cả năm mà không về quấy nhiễu con cháu. Tiếp theo thầy cúng gieo quẻ, nếu được thì quay ra gọi số nam nữ đã được chọn sẵn vào dâng các chén cơm, chén rượu, chén nước mời tổ tiên rồi cúng khấn với nội dung cầu mong các thần ma phù hộ cho con cháu làm ăn gặp nhiều may mắn, sau đó tiếp tục gieo quẻ xin âm dương.

Khi xin xong quẻ âm dương, thầy cúng đặt cuốn sách cúng xuống đất và tuyên bố với các thần ma rằng lễ cúng đã xong, từ nay đừng đến làm phiền gia chủ nữa. Sau đó đốt số giấy bản trên đàn cúng, thổi một hồi tù và với ý tiễn biệt các ma về cõi âm.

Trong tất cả các lễ hội, phần nghi lễ thường chiếm thời gian dài khoảng 4-5 giờ đồng hồ. Khác với hai đàn lễ Sáng Chà Phin và Sám Háng được dọn sau khi kết thúc, đàn lễ Bứa Hiéng sẽ được duy trì đến khi hết hội.

Giá trị văn hoá cần được bảo tồn

Sau khi hoàn thành các nghi lễ, thầy cúng sẽ chọn giờ tốt và hướng tốt trong sáng ngày đầu tiên của năm mới để bà con tổ chức xuất hành, mong năm mới sẽ có nhiều tài lộc, may mắn, mùa màng tốt tươi... Khi xuất hành, mỗi người mang một dụng cụ lao động như cày, cuốc, dao, xô chậu đựng nước làm các hoạt động đầu năm để lấy may mắn. Sau lễ xuất hành, mọi người lấy thức ăn đã chuẩn bị sẵn cho trâu bò ăn nhằm trả ơn chúng đã vất vả giúp gia đình cày bừa suốt năm cũ và sẵn sàng chuẩn bị cho năm mới...

Lễ hội Quỹa Hiéng, người Dao xã Hồ Thầu thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian độc đáo như là điệu múa bắt rùa, trò chơi vật chày (Stính tờ chùi), nhảy lửa (Pút tồng hoặc diáo xin)... Ngoài ra, đây cũng là dịp để các đôi trai gái thể hiện tâm tư tình cảm thông qua những làn điệu dân ca giao duyên.

Lễ hội Quỹa Hiéng phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan của đồng bào Dao đỏ, thể hiện mong ước chính đánh của con người: được khỏe mạnh, may mắn, phát tài phát lộc, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, bản làng yên vui, được gặp gỡ giao lưu sau những ngày lao động vất vả... Với những giá trị văn hóa đặc sắc, lễ hội Qũy Hiéng của đồng bào người Dao đỏ xã Hồ Thầu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015./.

Theo Bài, ảnh: Kim Cương/dangcongsan.vn

https://dangcongsan.vn/mung-dat-nuoc-doi-moi-mung-dang-quang-vinh-mung-xuan-nham-dan-2022/dang-dan-toc-va-mua-xuan/le-hoi-quya-hieng-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cua-nguoi-dao-do-602707.html