Cập nhật: 08/02/2022 08:34:00
Xem cỡ chữ

Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, nghĩa đồng bào càng được thêm tô thắm và gắn kết.

Dai su Luong Thanh Nghi: Tinh dan toc, nghia dong bao toa sang hinh anh 1

Chị em phụ nữ chuẩn bị các món ăn Việt Nam trong chương trình “Xuân Quê hương 2022” tại CH Séc. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, nghĩa đồng bào càng được thêm tô thắm và gắn kết.

Nhân dịp Tết Nguyên đán 2022, phóng viên TTXVN thực hiện phỏng vấn Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, để cùng nhìn lại công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2021; đồng thời làm rõ hơn tinh thần đoàn kết dân tộc, nghĩa đồng bào thiêng liêng trong thời gian qua.

- Xin Đại sứ cho biết những nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Nhằm triển khai một cách toàn diện và mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị mới đây, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong năm nay cũng như trong những năm tiếp theo sẽ tập trung vào hai đột phá: Công tác đoàn kết dân tộc; phát huy nguồn lực của kiều bào để phục vụ phát triển đất nước. Gắn với hai đột phá là 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, triển khai đồng bộ, toàn diện các chương trình hành động liên quan tới công tác người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2021-2026 ban hành ngày 31/12/2021.

Thứ hai, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, trong đó chú trọng việc đổi mới các hình thức, đa dạng hóa, linh hoạt trong biện pháp triển khai cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt tập trung vào thế hệ trẻ, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng.

Thứ ba, phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để phục vụ phát triển đất nước, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi và vận dụng, phát huy hiệu quả các nguồn lực của những ý kiến đóng góp của các chuyên gia trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan chính sách về thu hút, trọng dụng, trọng đãi nhân tài đối với những chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, các chính sách đầu tư, thu hút đầu tư kinh doanh, chuyển giao công nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ tư, hỗ trợ người Việt ở nước ngoài củng cố địa vị pháp lý và ổn định cuộc sống, phải tăng cường các biện pháp tổng thể, lâu dài, căn cơ, đặc biệt ở những địa bàn kiều bào đang gặp rất nhiều khó khăn, hỗ trợ các hội đoàn trong cộng đồng ổn định, kiện toàn tổ chức cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thứ năm, tiếp tục hỗ trợ bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt, phải đổi mới nội dung, phương thức dạy và học tiếng Việt, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan tới nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào ta ở nước ngoài.

Thứ sáu, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, đặc biệt tư duy về công tác thông tin đối ngoại đối với đồng bào ta ở nước ngoài cũng như đối với thân nhân của người Việt Nam ở nước ngoài và trong nước.

Cuối cùng, phải kiện toàn bộ máy tổ chức, trong đó, công tác phối hợp giữa Trung ương với các địa phương, giữa trong nước với ngoài nước, đặc biệt với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.

Dai su Luong Thanh Nghi: Tinh dan toc, nghia dong bao toa sang hinh anh 2

Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

- Đảng, Nhà nước dành nhiều sự quan tâm và đặc biệt coi trọng nhiệm vụ gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đại sứ có thể chia sẻ những hoạt động tiêu biểu nhằm gìn giữ và trao truyền các nét đẹp truyền thống của dân tộc đến bà con kiều bào, đặc biệt các thế hệ thứ 2, thứ 3, sinh ra ở nước ngoài?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm tới việc hỗ trợ đồng bào ta ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc và lan tỏa giá trị dân tộc với bạn bè quốc tế.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao cũng như triển khai các biện pháp toàn diện, hàng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức những chuyến đi về nguồn cho đồng bào ta ở nước ngoài, đặc biệt trong những dịp, sự kiện quan trọng như Giỗ Tổ Hùng Vương, Tết Nguyên đán hay Ngày Quốc khánh 2/9...

Chương trình Xuân Quê hương là một sự kiện đồng bào ta hết sức mong đợi, một sự kiện vừa mang tính chính trị, đối ngoại, văn hóa lớn nhất dành cho kiều bào trong năm.

Bên cạnh đó, hằng năm, chúng tôi đều tổ chức các trại hè cho thanh thiếu niên Việt Nam ở nước ngoài về nước để trải nghiệm những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, đồng thời cũng trải nghiệm cuộc sống thực tế của người dân ở trong nước; qua đó tạo môi trường để các em rèn luyện tiếng Việt. Đây là một trong những hoạt động hết sức hữu ích, có ý nghĩa và được bà con đón nhận rất nhiệt tình.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đều tổ chức các đoàn văn hóa, nghệ thuật trong nước để phục vụ bà con trong dịp Tết Nguyên đán hoặc những sự kiện quan trọng khác. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đều tổ chức Tết cộng đồng dành cho đồng bào ta ở nước ngoài.

Ở rất nhiều địa bàn, chúng tôi phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày Việt Nam, Tuần Văn hóa Việt Nam và thu hút đông đảo bạn bè quốc tế cũng như của kiều bào ta ở nước ngoài. 

Đặc biệt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, rất quan tâm tới việc dạy và học tiếng Việt. Ngôn ngữ là một biểu hiện đỉnh cao của văn hóa dân tộc. Tiếng Việt còn thì dân tộc còn.

Chính vì vậy, hằng năm, chúng tôi triển khai rất nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để hỗ trợ bà con tổ chức lớp học tiếng Việt cho kiều bào, đặc biệt các thế hệ thứ hai, thứ ba.

Bởi vì các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài đang đứng trước nguy cơ ngôn ngữ tiếng Việt dần bị mai một. Nhận thức được điều đó, chúng tôi hỗ trợ việc thành lập các lớp học, cung cấp sách giáo khoa, học liệu cũng như các dụng cụ trực quan để các thầy cô có điều kiện giảng dạy tốt hơn.

Bên cạnh đó, mỗi năm, chúng tôi đều tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên kiều bào về nước được nâng cao phương pháp sư phạm cũng như được trải nghiệm thực tế trong nước. Tuy nhiên, việc dạy và học tiếng Việt muốn có kết quả, các gia đình cấn tự nâng cao ý thức, tuyên truyền và khuyến khích con em học tiếng Việt.

Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của chúng ta khi đi ra nước ngoài rất chú ý công tác dạy và học tiếng Việt, luôn luôn đặt vấn đề với nước sở tại và đưa tiếng Việt vào dạy trong các trường phổ thông cơ sở, thậm chí các trường đại học, trong các trung tâm nghiên cứu của bạn. Do vậy, hiện nay tại một số các địa bàn như Hàn Quốc, Đài Loan, Séc, Thái, Mỹ, Australia..., tiếng Việt đã được dạy trong các trường học như một ngôn ngữ thứ hai.

- Trong bối cảnh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Đại sứ chia sẻ cảm xúc về “nghĩa đồng bào” khi trực tiếp tham gia, chứng kiến những chuyến bay đưa đón công dân Việt Nam ở nước ngoài gặp khó khăn về nước an toàn?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Ngay từ khi dịch bùng phát, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan liên quan lên phương án để trong trường hợp cần thiết phải đưa công dân của chúng ta về nước, tránh bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Việc đưa công dân về nước gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết, chúng ta phải đàm phán với các nước sở tại, làm sao có thể đưa máy bay đến trong tình hình rất bất thường, phải khử khuẩn, thực hiện tất cả các biện pháp y tế, biện pháp xuất nhập cảnh cũng rất nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cơ quan đại diện cũng như các cơ quan trong nước. Tuy chưa đáp ứng được hết tất cả các nguyện vọng, yêu cầu của bà con mong muốn trở về nước, tuy nhiên, đến nay, chúng ta đã làm tốt công tác này.

Có thể nói, khi chứng kiến những cháu bé, cụ già người Việt trong bộ đồ bảo hộ kín mít, đeo khẩu trang, đeo kính chắn, lên máy bay và khi về đến sân bay của Việt Nam, mọi người vỡ òa với một cảm xúc rất khó tả, rất bồi hồi, xúc động. Qua đó, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đặc biệt nghĩa đồng bào, tình dân tộc của chúng ta đối với bà con người Việt Nam ở nước ngoài.

Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Kết luận 12 của Bộ Chính trị, thể hiện tình cảm cũng như trách nhiệm của chúng ta đối với đồng bào người Việt Nam ở nước ngoài.

Dai su Luong Thanh Nghi: Tinh dan toc, nghia dong bao toa sang hinh anh 3

Người Việt tại Anh tham gia cuộc thi gói bánh chưng tại Lễ hội Tết Nguyên đán Nhâm Dần. (Ảnh: Đình Thư/TTXVN)

- Tinh thần “tương thân, tương ái” tốt đẹp của dân tộc ta đã tỏa sáng trong đại dịch COVID-19. Đại sứ có thể chia sẻ về  những hỗ trợ của bà con kiều bào với đồng bào trong nước trong cuộc chiến chống đại dịch?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Chưa bao giờ tinh thần đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam chúng ta lại tỏa sáng đến như vậy, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Chính trong những lúc khó khăn như vậy, người Việt Nam chúng ta thể hiện được bản lĩnh, ý chí và lan tỏa được những giá trị Việt đến bạn bè quốc tế.

Trong năm 2020, báo chí, truyền thông cũng đã đưa rất nhiều bà con chúng ta tự nguyện tổ chức nấu cơm, tự may khẩu trang, thậm chí các em bé lên Youtube để kêu gọi mọi người đóng góp, hỗ trợ chính quyền cũng như người dân sở tại chống dịch.

Trong giai đoạn rất nhiều các quốc gia trên thế giới đánh giá rất cao tinh thần của người Việt trong đại dịch và đặc biệt, các bạn cũng học hỏi rất nhiều kinh nghiệm của người Việt. Và chính những hình ảnh đẹp như vậy góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong bạn bè quốc tế.

Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, mặc dù phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức nhưng bà con đã đồng hành, chia sẻ với khó khăn trong nước.

Ngay từ sớm, bà con đã quyên góp, gửi về nước khẩu trang, trang thiết bị y tế... giúp đồng bào ở trong nước. Tôi nhớ mãi hình ảnh chúng tôi ra sân bay để đón lô hàng đầu tiên từ bà con kiều bào ở Ba Lan mang đến vùng dịch ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Rất cảm động, mặc dù không nhiều nhưng thể hiện được tình cảm cũng như tấm lòng bà con của chúng ta đối với người dân trong nước.

Sau này, khi dịch bùng phát mạnh hơn, nhiều phong trào quyên góp, ủng hộ khẩu trang, các vật phẩm cũng như trang thiết bị y tế cho trong nước.

Năm 2020 và 2021, bà con đã đóng góp khoảng 120 tỷ đồng cho Quỹ Phòng, chống COVID-19 và Quỹ vaccine phòng COVID-19. Bà con cũng gửi về hàng nghìn tấn trang thiết bị y tế, hàng trăm nghìn cái khẩu trang N95 - loại khẩu trang dành cho bác sỹ tuyến đầu, thuốc sát khuẩn, đồ bảo hộ...

Đặc biệt, chúng tôi rất xúc động khi rất nhiều bác sỹ người Việt ở Mỹ, một số quốc gia khác, làm đơn tình nguyện xin về nước để cùng tham gia với các lực lượng tuyến đầu của trong nước để chống dịch.

Chúng tôi tổ chức liên tục 4-5 diễn đàn trực tuyến để bà con, đặc biệt những chuyên gia y tế hiến kế và đóng góp với trong nước những kinh nghiệm quốc tế trong phòng, chống dịch, đặc biệt giúp sức cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Trong chiến dịch Ngoại giao vaccine, rất nhiều hội đoàn, bà con, những người Việt có uy tín, có ảnh hưởng ở các địa bàn đã hỗ trợ các cơ quan đại diện của chúng ta tiếp cận và tìm nguồn vaccine. Chính vì vậy, đến nay, chúng ta có nguồn vaccine dồi dào, cũng có một phần công đóng góp của đồng bào ta ở nước ngoài.

Có thể nói, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái tỏa sáng, thể hiện bằng những hành động thiết thực, cụ thể. Ở Anh, 2 em bé người Việt khoảng 11-12 tuổi, làm video clip và phát trên Youtube để kêu gọi mọi người đóng góp; ủng hộ trong nước được gần 100 triệu đồng.

Hay nhóm "Chung tay vì Việt Nam," bao gồm các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam ở Hoa Kỳ, đã kết nối với hơn 30 tổ chức của người Việt, nhất là giới trẻ ở Mỹ, Canada, Australia và châu Âu, đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 khoảng 10.000 liều vaccine cùng với hàng trăm nghìn các loại khẩu trang y tế. Với mạng lưới các thành phố lớn, ví dụ Thành phố Hồ Chí Minh, các bạn đã mang khẩu trang đó đến tận tay các bác sỹ đang ở tuyến đầu chiến đấu chống dịch.

Chính tinh thần như vậy đã cũng cổ vũ, động viên và gắn chặt hơn tình đoàn kết giữa người dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài.

- Trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, xin Đại sứ chia sẻ thêm những nỗ lực để không chỉ những kiều bào được trở về quê hương mà cả những người còn đang ở nước ngoài đều được tận hưởng không khí Tết cổ truyền của dân tộc đầm ấm, trọn vẹn?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Chúng tôi luôn luôn nhận thức, Tết là đoàn viên, là trở về, hướng về nguồn cội. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với nhiều bà con của chúng ta trong 2 năm qua chưa có điều kiện để trở về thăm thân cũng như tham dự Tết cổ truyền của dân tộc.

Chính vì vậy, từ sớm, chúng tôi đã bắt tay tổ chức chương trình Xuân Quê hương để tạo điều kiện cho bà con không về nước, có thể theo dõi qua tivi, mạng xã hội không khí đón Tết trong nước cũng như xem chương trình giao lưu nghệ thuật Xuân Quê hương, nghe lãnh đạo Đảng và Nhà nước chúc Tết.

Cùng với đó, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã chuẩn bị từ rất sớm, thậm chí là có cơ quan đã tổ chức Tết cộng đồng trước đó một tháng, tranh thủ mọi điều kiện và cũng rất linh hoạt về mặt hình thức.

Địa bàn nào tình hình dịch tương đối ổn định sẽ gặp mặt trực tiếp, nếu không cho phép, các cơ quan đại diện cố gắng tổ chức gặp trực tuyến. Mặc dù gặp trực tuyến nhưng cũng vẫn có những nét sắc dân tộc, các đại sứ và phu nhân và anh em trong sứ quán mặc áo dài, khăn đóng áo the, trình diễn gói bánh chưng, mâm ngũ quả... để bà con ta phần nào cảm nhận được không khí Tết cũng như nguôi đi nỗi nhớ quê nhà, nỗi nhớ về mùa xuân đang đến trên đất nước Việt Nam.

- Năm mới đã gõ cửa từng nhà, niềm vui tràn ngập trong mỗi kiều bào có dịp về quê hương đón Tết. Một năm mới mở ra vận hội mới với dân tộc, đất nước. Ngay trong lúc này, Đại sứ có thể chia sẻ cảm xúc, kỳ vọng về một năm mới 2022?

Đại sứ Lương Thanh Nghị: Chúng tôi luôn luôn hy vọng năm mới 2022 sẽ mang tới những điều may mắn, an lành với toàn thể đồng bào ta ở nước ngoài, đặc biệt trong mùa dịch, rất mong bà con giữ gìn sức khỏe và vẫn luôn luôn giữ nhiệt huyết, tinh thần hướng về đất nước để cùng với đồng bào trong nước thực hiện khát vọng xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng và nhân dân được hạnh phúc.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của Đại sứ!./.

Theo Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/dai-su-luong-thanh-nghi-tinh-dan-toc-nghia-dong-bao-toa-sang/771631.vnp