Đi chợ Tết đầu năm để cầu may mắn, thuận lợi, hanh thông đã trở thành một nét văn hoá đẹp của người Việt
Đối với người Việt Nam, chợ không chỉ là nơi buôn chốn bán mà còn là không gian văn hoá, nơi gắn bó mật thiết với đời sống của biết bao thế hệ. Đặc biệt, đi chợ ngày đầu xuân năm mới còn là một phong tục cổ truyền tốt đẹp của người Việt từ thời xa xưa, để cầu một năm mới bình an, may mắn. Những ngày này, một số địa phương có tục mở những phiên chợ độc đáo chỉ họp đúng một lần vào dịp Tết.
Trong những phiên chợ ấy, người bán không đặt nặng việc lời lãi, chỉ mong bán nhanh lấy cái may cho việc làm ăn năm mới. Còn người mua thì mong cầu được cái lộc đầu năm với những mong ước tốt lành.
Có lẽ vì thế mà những phiên chợ Tết thực sự đã thoát lên khỏi sự buôn bán tục trần mà trở thành một điểm hẹn văn hoá giao thoa giữa bao đời, bao vùng miền, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chợ Viềng Nam Định
Chợ Viềng là phiên chợ cầu may nổi tiếng ở Nam Định. Ở đây có đến 4 phiên chợ Viềng nhưng nổi tiếng là là chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, họp từ đêm mùng 7 đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch.
Vì là phiên chợ cầu may có tiếng trong cả nước, chợ Viềng tập trung khách thập phương tứ xứ mỗi dịp Tết đến xuân về.
Xuất hiện từ lâu đời, chợ Viềng được lưu truyền gìn giữ cho tới ngày nay. Ảnh: HN
Tại chợ Viềng, người ta bán đủ loại mặt hàng, từ thịt trâu, thịt bò, dụng cụ sản xuất đến cây giống, đồ cúng lễ… một số đồ dùng cũ nhưng vẫn còn nguyên vẹn cũng được bày bán.
Ở phiên chợ này có tục không kì kèo mặc cả, như thể sự mua bán ở đây mang một ý thức tâm linh nào đó. Người bán không cần lời lãi, người mua chẳng cần được hơn. Dù chỉ trao đổi được một vật nhỏ thì người bán kẻ mua cùng đều hỉ hả vui mừng.
Chợ Chuộng Thanh Hoá
Chợ Chuộng thuộc xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá là một phiên chợ độc đáo có một không hai. Hàng năm, cứ đến mùng 6 Tết, hàng ngàn người lại kéo nhau đến phiên chợ này cầu cho một năm thuận hoà, may mắn.
Hàng nghìn người dân xứ Thanh tham gia chợ Chuộng dịp Tết. Ảnh: HT
Điều đặc biệt ở phiên chợ này đó là người đến chợ không chỉ mua bán hay thưởng thức các món ăn như lệ thường, mà còn được chứng kiến ném… cà chua. Không biết chính xác phiên chợ cầu may độc lạ này có từ khi nào, nhưng từ lâu, người dân ở đây đã có quan niệm, ai đi chợ Chuộng mà được ném nhiều cà chua vào người thì sẽ gặp được nhiều may mắn, làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Phiên chợ này quan trọng trong tiềm thức người xứ Thanh tới nỗi, ở đây vẫn có câu “Bỏ con bỏ cháu, không bỏ mùng 6 chợ Chuộng”.
Chợ Âm Dương Bắc Ninh
Chợ Âm Dương còn được biết đến với cái tên chợ Gà được mở một lần duy nhất vào đêm ngày mùng 4, rạng ngày mùng 5 ở làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.
Chợ Âm Dương đặc biệt từ cái tên đến nơi dựng chợ cũng như mặt hàng buôn bán. Gọi là chợ, nhưng chỉ là một bãi đất trống, không có lều, quán cũng không sử dụng đèn, nến, càng không có sự ồn ào, náo nhiệt đặc trưng của nơi buôn chốn bán. Chợ chỉ bán gà mái đen và vàng mã.
Người đi chợ chỉ đề cầu may, trút bỏ muộn phiền chứ không nhằm mục đích mua bán. Ngày nay, chợ Âm Dương đã khác nhiều. Mặt hàng được bày bán đa dạng hơn, người đi chợ cũng tự do thoải mái hơn. Nhưng truyền thống tổ chức họp chợ vào ban đêm vẫn được duy trì.
Theo DIỄM QUỲNH/laodong.vn
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/doc-dao-nhung-phien-cho-tet-cau-may-vao-dip-dau-nam-1001084.ldo