Cập nhật: 11/02/2022 15:10:00
Xem cỡ chữ

Năm học 2019-2020, có 69% số học sinh trên cả nước chưa tham gia hoạt động thể dục thể thao; 76,5% số học sinh không đạt tiêu chuẩn đánh giá xếp loại thể lực theo tuổi.

Cham soc suc khoe hoc duong - vi tuong lai mot Viet Nam khoe manh hinh anh 1

Học sinh Trường tiểu học Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội) được kiểm tra thân nhiệt trong ngày đầu tiên trở lại trường học trực tiếp, sáng 10/2/2022. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Những năm qua, nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực và sức khỏe tâm thần của học sinh, một số chương trình, dự án chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em đã được đưa vào trường học nhưng với phạm vi riêng lẻ, không đồng bộ, chỉ triển khai trên một số địa phương. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, thể hiện sự quyết tâm và khát vọng của quốc gia vào việc chăm sóc cho thế hệ tương lai.

Đây là bước khởi đầu cho một chương trình thiết thực, tổng thể và dài hạn về sức khỏe học đường, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lựa chọn các nội dung ưu tiên đối với sức khỏe trẻ em, học sinh trên cả nước.

Sức khỏe học đường - đối mặt nhiều nguy cơ

Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020). Gánh nặng kép về dinh dưỡng ở tuổi học đường và tiền học đường gồm thiếu và thừa dinh dưỡng là cửa ngõ của nhiều bệnh mãn tính không lây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ em, học sinh.

Cả nước vẫn còn gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đội ngũ cán bộ cấp dưỡng trong trường học chưa được đào tạo bài bản, thực đơn bữa ăn chưa bảo đảm khoa học. Công tác tổ chức bữa ăn bán trú còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, miền núi, do điều kiện kinh tế còn hạn chế.

Trong năm học 2018-2019, tại các trường học mầm non và phổ thông, vẫn còn 22,8% nhà vệ sinh bán kiên cố, xuống cấp. Số lượng nhà vệ sinh đủ nước sạch và xà phòng rửa tay chỉ chiếm khoảng 65,6%. Số trường có đủ nước uống và nước sinh hoạt chỉ chiếm khoảng 62,8%. Vệ sinh môi trường kém là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các bệnh lây nhiễm trong trường học.

Việc gia tăng gánh nặng học tập, ô nhiễm môi trường, những thay đổi về điều kiện kinh tế, xã hội cũng là nguy cơ phát sinh nhiều bệnh học đường. Hiện nay, hơn 40% học sinh mắc tật khúc xạ; Gần 90% học sinh mắc bệnh răng miệng; 7 đến 15% học sinh mắc bệnh cong vẹo cột sống... Những căn bệnh này ảnh hưởng đến khả năng học tập, hoạt động sinh hoạt, vui chơi và chất lượng sống của học sinh, để lại hậu quả lâu dài.

Ngoài ra, mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 trẻ em, học sinh tử vong do đuối nước. Tỷ lệ này cao gấp 10 lần các nước phát triển. Điều đó cho thấy sự cần thiết có những giải pháp để bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh trong và ngoài trường học.

Về giáo dục thể chất và thể thao trường học, năm học 2019-2020, có 69% số học sinh chưa tham gia hoạt động thể dục thể thao; 76,5% số học sinh không đạt tiêu chuẩn đánh giá xếp loại thể lực theo tuổi. Việc thiếu đầu tư cơ sở vật chất cũng là một trong những nguyên nhân chưa thu hút được đông đảo học sinh tham gia tập luyện thể dục, thể thao.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Mục tiêu của giáo dục phổ thông được quy định trong Luật Giáo dục 2019 là nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo cho người học...

Cham soc suc khoe hoc duong - vi tuong lai mot Viet Nam khoe manh hinh anh 2

Cán bộ, giáo viên của các cơ sở giáo dục Quảng Ninh tiến hành dọn vệ sinh trường, lớp học để đón học sinh trở lại từ ngày 14/2. (Ảnh:Thanh Vân/TTXVN)

Việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho trẻ em, học sinh phổ thông luôn đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của các em.

Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe trẻ em, học sinh phổ thông đã dần đi vào nề nếp và từng bước được cải thiện hơn về chất lượng. Điều kiện học tập và chăm sóc sức khỏe cho các em đã được cải thiện đáng kể tại nhiều địa phương; các dịch bệnh thường gặp ở trẻ em và ngộ độc thực phẩm trong các nhà trường đã giảm mạnh.

"Hiện nay, cả nước có trên 40.493 cơ sở giáo dục phổ thông và mầm non với hơn 23 triệu trẻ em, học sinh. Bên cạnh sự quan tâm về giáo dục, trẻ em, học sinh vẫn rất cần được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật thường gặp và các bệnh do chính yếu tố học đường gây ra. Vì vậy, cần phải chăm sóc cho các em ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường," Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, các Bộ, ngành địa phương đã triển khai một số chương trình, dự án nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các em như phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, vệ sinh thực phẩm...

Tuy nhiên, sức khỏe học đường vẫn đang là vấn đề nhức nhối, cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho các em, trong đó, bao gồm dinh dưỡng và bữa ăn học đường, nước sạch và vệ sinh trường học, bệnh học đường, giáo dục thể chất và thể thao trường học.

Khoảng 25% dân số được chăm sóc sức khỏe ban đầu từ trường học

Với thông điệp "Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh," lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình tổng thể, chính thống và toàn diện về sức khỏe học đường được thực hiện, kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho trường học, để chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ Việt Nam khỏe mạnh, năng động, trưởng thành.

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ phê duyệt hướng tới mục tiêu duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường chuyên biệt nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.

Hơn 23 triệu trẻ em, học sinh chiếm khoảng 25% tổng dân số được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học. Điều này sẽ tiết kiệm được khoản kinh phí lớn cho công tác điều trị, giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho gia đình và toàn xã hội, cải thiện tầm vóc, chất lượng giống nòi.

Nguồn kinh phí tiết kiệm được sẽ tăng cường cho đầu tư phát triển. Học sinh có sức khỏe tốt sẽ học tập và thành đạt hơn trên con đường học vấn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang chia sẻ: Tỉnh hiện có 617 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông. Trong đó, đáng chú ý là hệ thống 13 trường dân tộc nội trú, 185 trường dân tộc bán trú và 64 trường học có học sinh bán trú.

Là một tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ quốc với địa hình chia cắt, khí hâu khắc nghiệt, dân cư phân tán, giao thông đi lại khó khăn nên mạng lưới trường học dàn trải, quy mô các cơ sở giáo dục nhỏ.

Học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, chủ yếu sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, nhận thức về vị trí, vai trò của giáo dục chưa cao. Riêng hệ thống các trường bán trú, vốn không được thiết kế để tổ chức nuôi dưỡng học sinh nên cơ sở vật chất không đồng bộ. Hệ thống nhà lưu trú, thư viện, bếp ăn, khu vệ sinh, sân chơi, bãi tập còn thiếu thốn.

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, với điều kiện thực tế nhiều khó khăn như Hà Giang, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường càng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu, nội dung của chương trình này sẽ tạo ra bước chuyển biến mang tính đột phá cho các cơ sở giáo dục nói chung, các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng.

Cham soc suc khoe hoc duong - vi tuong lai mot Viet Nam khoe manh hinh anh 3

Sức khỏe học đường là vấn đề cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho các em. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cũng cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, nhằm triển khai có hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra của chương trình, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang sẽ tập trung bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trong trường học; bổ sung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác y tế trường học.

Đồng thời, chỉ đạo đổi mới công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trong trường học. Xây dựng, hoàn thiện và tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành về hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh Hà Giang cũng chú trọng xã hội hóa, huy động các cá nhân, cộng đồng tham gia triển khai chương trình.

Là một trong các thành phố có số lượng học sinh đông nhất cả nước, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Trong những năm qua, công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, dinh dưỡng học đường và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em, học sinh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian qua, sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh là vấn đề càng cần được quan tâm.

Theo ông Dương Anh Đức, chương trình Sức khỏe học đường được Chính phủ phê duyệt thời điểm này là một giải pháp quan trọng và kịp thời nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện của học sinh.

Việc tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp các hoạt động thể lực cho học sinh là cấp thiết, nhằm giải quyết gánh nặng kép của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay và cả nước nói chung, đó là thiếu dinh dưỡng dẫn đến thấp còi hay thừa dinh dưỡng dẫn đến béo phì, cùng với đó là chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh.

Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành của Thành phố khẩn trương, tham mưu, triển khai Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 một cách cụ thể, phù hợp, với mục tiêu duy trì, đẩy mạnh việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ sức khỏe của trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Đặc biệt, cải thiện tầm vóc, thể lực trẻ em lứa tuổi vàng (2-12 tuổi). Thành phố Hồ Chí Minh cam kết tập trung nguồn lực để triển khai, đạt mục tiêu mà Chương trình đề ra, trên tinh thần huy động sức mạnh của cộng đồng để dành những gì tốt nhất cho trẻ em./.

Theo Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/cham-soc-suc-khoe-hoc-duong-vi-tuong-lai-mot-viet-nam-khoe-manh/772503.vnp