Lý Sơn, quê hương Hải đội Hoàng Sa, nơi lưu giữ nhiều dấu tích, ký ức của bao thế hệ tộc họ từ hàng trăm năm trước đang đổi thay từng ngày. Về Lý Sơn để lắng nghe chuyện cưỡi sóng, vươn khơi bám biển của bao thế hệ ngư dân đất đảo ngày nay.
Trên đảo Lý Sơn, người dân vẫn còn lưu truyền bao câu chuyện về những binh phu cưỡi sóng ra Hoàng Sa. Hàng trăm năm trước, mỗi dân binh đi Hoàng Sa trên chiếc ghe câu chứa đầy lương thực đủ dùng trong 6 tháng, 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi mây và 1 thẻ bài ghi rõ danh tính, bản quán và phiên hiệu… Tất cả phòng bất trắc trên biển, các đồng đội sẽ bó xác thả xuống biển, nhờ con sóng đưa về đất liền để người thân chôn cất, thờ cúng… Bao lớp binh phu dong thuyền, cưỡi sóng ra Hoàng Sa cắm mốc, bảo vệ chủ quyền đã không trở về…
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn
Ở Lý Sơn bây giờ, xen lẫn những ruộng tỏi xanh ngát, có rất nhiều nấm mồ không hài cốt, người dân đảo gọi là những những ngôi mộ gió chiêu hồn. Vào những dịp Lễ Tết, con cháu các tộc họ trên đảo đều tổ chức chăm sóc, hương khói những ngôi mộ gió, đến những miếu thờ, lăng tự thắp nhang tưởng nhớ các binh phu.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, Lý Sơn kể rằng, trong mỗi gia đình, tộc họ ở Lý Sơn, một tục lệ không thể thiếu vào dịp cuối năm đó là việc thay cát lư hương trên bàn thờ gia tiên. Không biết tự bao giờ, sau mỗi chuyến hải trình ra Hoàng Sa, lúc trở về, ngoài những con tàu mang về hải sản, ngư dân còn đem về một thứ không thể thiếu là nắm cát trắng được lấy ở vùng biển Hoàng Sa.
Ở Lý Sơn còn lưu lại nhiều di tích, những câu chuyện về những binh phu cưỡi sóng ra Hoàng Sa
Ông Chinh nói, cát Hoàng Sa được phơi khô, cất trữ cẩn thận trong nhà và chỉ dùng vào một việc duy nhất thay cát lư hương ngày cuối năm: “Trước mồng 5 tháng 5, ngư dân chúng tôi hốt cát trong lòng biển ở ngư trường Hoàng Sa mang về phơi khô thay cào các lư nhang. Cuối năm, các tàu cá trước khi về ăn Tết, ngư dân hốt cát từ Hoàng Sa về phơi khô thay cào các lư nhang trên bàn thờ để đốt hương. Qua đây, nhắc nhở bản thân, con cháu, ngư trường Hoàng Sa là của Việt Nam. Nơi đó có một phần xương máu của cha ông và đồng đội. Hạt cát trong ngư trường Hoàng Sa rất quí, ngư dân coi đó là di tích để đáp lại tiếng vọng của những người đã nằm xuống với Hoàng Sa, đất mẹ Việt Nam”.
Với ngư dân Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt, là ngư trường truyền thống bao đời nay. Nối tiếp truyền thống cha ông, lớp lớp ngư dân Lý Sơn ngày đêm vươn khơi bám biển, giữ chủ quyền. Nghề biển đem lại sự no đủ cho bao thế hệ người dân trên đảo Lý Sơn…
Lý Sơn, quê hương Hải đội Hoàng Sa, nơi lưu giữ nhiều dấu tích, ký ức của bao thế hệ tộc họ từ hàng trăm năm trước
Gần 50 tuổi, hơn 30 năm vươn khơi bám biển, ngư dân Nguyễn Gia Viên, ở thôn Tây An Vĩnh chủ đội tàu cá hiện đại gồm 3 chiếc, công suất hàng trăm mã lực, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho 25 lao động địa phương. Doanh thu từ đánh bắt hải sản mang về cho gia đình anh Viên cùng các bạn chài mỗi năm mười mấy tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Viên thu nhập gần cả tỷ đồng, bình quân mỗi thuyền viên cả trăm triệu đồng.
Anh Nguyễn Gia Viên tâm sự, trước kia, cha ông đi biển bằng phương tiện thô sơ, hiệu quả không cao, nay nghề biển muốn làm ăn hiệu quả phải có tàu to, máy lớn, đánh bắt theo tổ, đội và tuân thủ nghiêm các quy định của nhà nước.
Mô hình ghe câu cùng những kỷ vật của các binh phu Hoàng Sa
“Trước kia, đánh bắt rất thô sơ, bây giờ ngư dân đánh bắt rất hiện đại, có máy chụp, máy đo dòng nước, dòng chảy, các trang thiết bị… Trước đây, đánh bắt đại trà, lan tràn, có hồi ngư dân không biết ranh giới, biên giới. Nhưng bữa nay, có máy giám sát hành trình. Tàu cá ngư dân đánh bắt ngư trường hẹp lại, chấp hành nghiêm chính sách, qui định của Đảng, Nhà nước”, anh Viên chia sẻ.
Lý Sơn bây giờ có đội tàu đánh bắt xa bờ hàng trăm chiếc. Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, năm 2022, Lý Sơn đề ra mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp thực tế địa phương, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới. Địa phương phấn đấu tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt hơn 2.300 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2021.
Nắm cát trắng Hoàng Sa
Lý Sơn có đội tàu đánh bắt xa bờ hàng trăm chiếc, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngư dân
Nghề biển nuôi sống bao thế hệ cư dân trên đảo Lý Sơn
Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Thới Lới-,Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
“Kinh tế biển của Lý Sơn, chúng tôi xác định là ngành kinh tế trọng tâm. Cùng với phát triển du lịch, phát triển kinh tế biển của Lý Sơn, ngoài nội lực, cơ chế chính sách hiện có thì hiện nay, chúng tôi cũng trăn trở nhiều vấn đề. Ở Lý Sơn hiện chỉ có nuôi trồng thuỷ sản và đánh bắt, chưa có cơ sở chế biến, các cơ sở dịch vụ hậu cần còn nhiều khó khăn. Chúng tôi mong rằng, trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Lý Sơn cũng cần có những đề xuất cho phù hợp, giúp ngư dân an tâm vươn khơi bám biển”, bà Hương cho hay.
Giờ đây với lợi thế biển, đảo, kho tàng văn hoá phong phú…, huyện Lý Sơn chú trọng phát triển kinh tế biển gắn với du lịch biển đảo. Trong đó, lấy du lịch làm trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Lý Sơn cũng đang là hạt nhân phát triển du lịch biển, đảo trở thành loại hình du lịch chủ đạo theo chủ trương thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ngãi./.
Theo Vinh Thông/VOV-miền Trung
https://vov.vn/xa-hoi/cuoi-song-ra-hoang-sa-post920012.vov