Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn đến tử vong cho người lớn lẫn trẻ nhỏ.
1. Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là viêm các phế nang trong phổi do một tổn thương nào đó gây nên. Hai phế nang chứa nhiều dịch nhầy hoặc mủ, xuất tiết dịch đường hô hấp trên gây ho đờm, sốt ớn lạnh, khó thở. Bệnh hay gặp nhất là nhiễm trùng bởi vi khuẩn, virus, vi nấm. Viêm phổi có thể ở một vùng hoặc ở một vài vùng (viêm phổi thuỳ hoặc “đa thùy”) hoặc toàn bộ phổi.
2. Các loại viêm phổi
Viêm phổi bệnh viện: Là loại viêm phổi xuất hiện sau khi bệnh nhân nhập viện 48 giờ, mà trước đó bệnh nhân hoàn toàn không có các biểu hiện của viêm phổi. Viêm phổi bệnh viện có thể kháng với nhiều loại kháng sinh, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Viêm phổi cộng đồng: Viêm phổi cộng đồng chỉ tất cả các loại viêm phổi mà không phải là viêm phổi bệnh viện. Nguyên nhân gây ra viêm phổi cộng đồng rất đa dạng, thông thường do vi khuẩn, virus. Sử dụng vaccine có thể giúp phòng tránh virus cúm và một số loại vi khuẩn nhất định có khả năng gây ra viêm phổi. Viêm phổi cộng đồng ở trẻ nhỏ còn có một loại đặc biệt hay gặp đó là viêm phổi hít, xảy ra sau khi trẻ hít phải thức ăn, chất lỏng hoặc chất nôn vào trong phổi (khi trẻ bị ho, bị sặc,...).
Tỉ lệ người mắc viêm phổi trên thế giới ngày càng nhiều.
Viêm phổi do vi khuẩn: Viêm phổi do vi khuẩn là loại viêm phổi thường gặp nhất trong tất cả các loại viêm phổi ở người lớn và trẻ nhỏ. Viêm phổi do vi khuẩn thường không khó để nhận biết và việc điều trị thông thường không quá phức tạp. Khi bị viêm phổi do vi khuẩn phế cầu, người bệnh có triệu chứng ho nhiều, ớn lạnh, sốt cao, vã mồ hôi, thở đau, nhanh, đau ngực, đau cơ, ho ra đờm loãng xanh hoặc vàng. Những triệu chứng này dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên dễ bị các bậc phụ huynh xem nhẹ, bỏ qua dẫn đến hậu quả khó lường, thậm chí tử vong.
Viêm phổi do virus: Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 30% trường hợp viêm phổi ở người lớn và trẻ em đến từ việc nhiễm virus, đứng thứ 2 sau vi khuẩn. Có rất nhiều loại virus gây ra viêm phổi như virus cảm lạnh và virus cảm cúm, do đó biểu hiện của bệnh viêm phổi do virus rất dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường như: sốt, ớn lạnh, run, ho khan, tuy nhiên có thể bội nhiễm và trở thành ho có đờm, chảy nước mũi, đau cơ, đau đầu, yếu người, mệt mỏi.
Viêm phổi do nấm: Viêm phổi do nấm là tình trạng bệnh nhân hít phải bào tử của nấm gây viêm nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp với mức độ phát triển nhanh. Bệnh thường có diễn biến phức tạp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm thậm chí thiệt mạng.
Viêm phổi do hóa chất: Viêm phổi do hóa chất thường hiếm gặp, ít xảy ra nhưng cực kỳ nguy hiểm vì tỷ lệ gây tử vong cao cho người bệnh. Tùy thuộc vào loại hóa chất đã phơi nhiễm mà có mức độ nguy hiểm khác nhau. Bên cạnh tổn thương phổi, các hóa chất còn có thể gây hại cho nhiều cơ quan khác. Chính vì vậy việc phòng ngừa các tác nhân gây bệnh viêm phổi là việc làm cấp thiết, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Viêm phổi ở người suy giảm miễn dịch:
- Viêm phổi ở bệnh nhân thiếu hụt globulin miễn dịch và bổ thể
- Viêm phổi ở bệnh nhân thiếu hụt bạch cầu hạt
- Viêm phổi ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch tế bào: ở người mắc bệnh ác tính, ở người ghép tạng, ở bệnh nhân AIDS
- Viêm phổi ở những bệnh nhân có bệnh lý suy giảm miễn dịch khác
Viêm phổi có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
3. Phòng ngừa viêm phổi trong mùa dịch
· Đối với trẻ em
- Cho trẻ bú sữa mẹ, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 2 tuổi để đảm bảo sức đề kháng tốt nhất cho trẻ.
- Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, cần đủ 4 nhóm thực phẩm (ngũ cốc, đạm động vật hoặc đậu đỗ, dầu mỡ, rau quả).
- Hạn chế cho trẻ ăn uống đồ lạnh. Việc ăn quá nhiều kem và thực phẩm để lâu trong tủ lạnh càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp ở trẻ, trong đó không loại trừ viêm phổi.
- Nếu trong phòng có điều hòa thì không nên để chế độ lạnh dưới 25 độ, để trẻ nằm hoặc chơi ở nơi thoáng mát, cũng không nên để trẻ ra quá nhiều mồ hôi, nếu không kịp lau khô trẻ sẽ dễ bị cảm lạnh.
- Chú ý vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, tránh khói thuốc lá và than bụi trong nhà.
- Theo dõi lịch tiêm chủng và đưa trẻ tiêm đầy đủ, đúng lịch. Đặc biệt là hoàn thành tiêm chủng trong năm đầu.
- Nếu trong gia đình có người bị nhiễm khuẩn hô hấp như cúm, lao phổi cần cách ly để không lây nhiễm sang trẻ.
- Nếu trẻ có những biểu hiện nhiễm khuẩn hô hấp cấp như cảm lạnh, viêm mũi, họng thì cần được phát hiện và xử lý sớm, chăm sóc tốt để ngăn chặn bệnh chuyển sang viêm phổi.
Trẻ nhỏ là một trong những đối tượng dễ bị mắc viêm phổi.
· Đối với phụ nữ mang thai
- Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm phổi là phòng tránh bị cảm cúm và các bệnh nhiễm trùng khác. Vệ sinh cá nhân thật tốt là việc cần thiết để ngăn ngừa bệnh tật cho dù bạn có đang mang thai hay không.
- Phụ nữ mang thai nên đặc biệt lưu ý tới các yếu tố như: Rửa tay thường xuyên, ngủ đủ giấc, chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tránh tiếp xúc với người đang bị bệnh...
- Tiêm vaccine phòng bệnh cũng có thể giúp bảo vệ bạn chống lại bệnh cúm trong thời kỳ mang thai. Tác dụng của vaccine cũng có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi bị bệnh sau khi sinh. Loại vaccine này có thể có tác dụng cho trẻ sau khi sinh tới 6 tháng tuổi.
- Nếu cảm thấy có dấu hiệu bị cúm, hãy theo dõi các triệu chứng và đi khám ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Phụ nữ mang thai khi nghi ngờ biểu hiện viêm phổi nên đến cơ sở y tế để thăm khám, tư vấn từ bác sĩ.
Đối với người cao tuổi
Tiêm phòng
- Khi sức khỏe và hệ miễn dịch suy yếu dần làm cho sự đề kháng tự nhiên ở người cao tuổi giảm đi. Viêm nhiễm đường hô hấp và bệnh cúm ở người già có xu hướng gia tăng, nhất là khi giao mùa hay có dịch cúm. Do vậy, tiêm vaccine ngừa cúm và phế cầu nên được thực hiện đều đặn hàng năm. Người chăm sóc cũng như các thành viên khác trong gia đình cũng được khuyến cáo tiêm ngừa vaccine chống viêm phổi.
Lối sống lành mạnh
- Nơi ở phải thông thoáng, giữ ấm và tránh tiếp xúc nhiều với không khí lạnh.
- Đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc và giữ khoảng cách khi tiếp xức người bệnh, tránh nơi tập trung đông người.
- Giữ vệ sinh răng miệng, giữ vệ sinh đường hô hấp trên sạch và thoáng. Rửa tay thường xuyên với xà phòng.
- Duy trì việc tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe, tùy điều kiện của từng người. Những người bị liệt cần được vận động bằng cách nâng dậy và xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở sâu để phục hồi các chức năng của phổi.
- Bỏ thói quen hút thuốc là, uống rượu bia.
- Kiểm soát cân nặng và chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả và rau xanh thay cho các món ăn nhiều đạm, tinh bột, dầu mỡ…
- Trường hợp đang điều trị tại bệnh viện về các bệnh phổi, nên tập cách thở sâu, giúp cho phổi làm việc tốt và nhanh phục hồi nhất là sau khi phẫu thuật.
Người cao tuổi nên tiêm phòng và có lối sống lành mạnh để tránh viêm phổi.
4. Chăm sóc người bị viêm phổi hiệu quả tại nhà
Đối với trẻ em
Hạ sốt cho trẻ
– Chườm ấm tích cực (nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được).
– Nếu trẻ sốt ≥ 38,5°C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
Vỗ lưng và giúp trẻ bài tiết đờm hiệu quả
– Phương pháp vỗ lưng cho trẻ khi bị ho có đờm sẽ giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi, giúp đờm trong phế quản long ra và thải ra ngoài dễ dàng. Thực hiện vỗ lưng tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn, bằng cách gập bàn tay của bạn ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại. Giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ. Vỗ bên trái rồi sang bên phải, khoảng 3-5 phút ở mỗi khu vực. Chú ý không vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống.
– Hướng dẫn trẻ ho:
Ho làm thông thoáng đường thở, đẩy chất xuất tiết ra khỏi phổi. Với trẻ lớn, yêu cầu các cháu ho sau khi được vỗ ở từng khu vực. Khi trẻ chưa ngừng ho thì chưa được vỗ tiếp. Thực hiện các bước sau:
Cho trẻ ngồi dậy, đầu ngả nhẹ về phía trước.
Hít vào.
Mở miệng và thót cơ bụng để ho thật sâu, không ho ở cổ họng.
Hít vào lần nữa
Tiếp tục ho cho tới khi khạc được đờm ra ngoài.
Đối với trẻ nhỏ, điều dưỡng có thể dùng máy hút đờm dãi ra khỏi hầu họng khi trẻ không tự ho khạc ra được.
Chăm sóc trẻ viêm phổi cần chú ý đến hạ sốt, vệ sinh và chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.
Vệ sinh và chế độ ăn cho trẻ
- Vệ sinh mũi miệng: Dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, nước dãi rồi vứt bỏ khăn ngay sau khi sử dụng. Nếu dùng khăn xô thì phải đặc biệt chú ý giữ vệ sinh khăn. Việc dùng đi dùng lại khăn xô đã nhiễm bẩn và không được giặt sạch sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn/ virus bám trên khăn quay trở lại cơ thể bé.
- Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ.Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.
- Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt.
- Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị.
- Có thể dùng quất hấp mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh cho trẻ uống để giảm
· Đối với phụ nữ mang thai
Ngay khi các dấu hiệu nhẹ của viêm phế quản xuất hiện, bạn có thể làm theo một số viện pháp khắc phục tại nhà để có thể giảm đi các triệu chứng ấy mà không gây hại cho thai nhi.
Súc miệng nước muối: Khuấy một muỗng cà phê muối trong khoảng 250 ml nước và súc miệng với cùng. Điều này có thể làm giảm đau họng và giúp bạn thoát khỏi chất nhầy.
Hít hơi nước: Đun sôi một nồi nước, tắt bếp và nghé đầu lướt qua lướt lại nồi nước ấy khi nó đã ngừng sủi bọt. Hơi nước sẽ giúp nới lỏng chất nhầy, làm giảm những tắc nghẽn trong cổ họng và mũi.
Mọi người cũng có thể tận hưởng triệt để hơi nước nhờ chùm một chiếc khăn lên đầu để bao trọn nó. Tuy nhiên, cũng nên cẩn thận vì nhiệt độ của hơi nước quá nóng sẽ làm bỏng niêm mạc đường hô hấp.
Hít hơi nước là một trong những cách chăm sóc đối với bà bầu bị viêm phổi.
Rửa mũi: Hòa tan 1/2 muỗng muối và 1/2 muỗng baking soda trong 250 ml nước.
Tiếp đó, dựa vào bồn rửa ở góc 45 độ để lỗ mũi của bạn hướng về phía bồn rửa.
Sử dụng ống xilanh để đưa hỗn hợp vào một lỗ mũi trong khi thở bằng miệng. Chất lỏng chảy qua khoang mũi chảy ra qua lỗ mũi khác. Do đó, nó rửa sạch chất nhầy và giúp người bệnh cảm thấy bớt ngột ngạt. Điều này, khi lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày, có thể giúp giảm khó thở.
Sữa chua: Sữa chua có vi khuẩn lành mạnh còn được gọi là men vi sinh có thể giúp giảm bớt nhiễm trùng đường hô hấp.
Bột nghệ: Củ nghệ có chứa các đặc tính chống viêm và có thể giúp loại bỏ chất nhầy và giảm đau họng. Chỉ cần thêm một muỗng cà phê bột nghệ vào sữa và đun sôi. Uống khi còn ấm.
Gừng: Là vị thuốc tự nhiên có đặc tính chống viêm. Nó cũng sẽ giúp điều trị viêm phế quản mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Nghiền một ít gừng vào nước sôi và uống chất lỏng này một khi ấm. Có thể thêm một ít mật ong để làm ngọt. Gừng cũng có thể điều trị cảm lạnh thông thường hiệu quả.
Chanh + Mật ong: Lấy một cốc nước ấm và vắt một ít chanh trong đó và thêm một thìa mật ong. Chanh giàu Vitamin C và flavonoid chống nhiễm trùng và mật ong có đặc tính kháng virus và kháng khuẩn chính là liều thuốc sẵn có cho căn bệnh viêm phế quản khi mang thai.
Đối với người cao tuổi
Tăng cường lưu thông đường thở cho bệnh nhân
- Sự tăng tiết dịch trong đường thở có thể làm quá trình trao đổi khí bị cản trở, dễ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn. Vấn đề này có thể được giải quyết nếu người thân tăng cường lưu thông đường thở cho bệnh nhân bằng cách cho họ uống 2 - 2,5l nước hàng ngày, giúp làm loãng đờm và dễ tống đờm ra ngoài hơn.
- Ngoài ra, khi chăm sóc người già bị viêm phổi nên cho họ uống nhiều nước vì hành động này giúp họ bù lại lượng nước đã mất do triệu chứng sốt. Nếu người bệnh không thể uống quá nhiều nước lọc, người thân có thể luân phiên thay thế bằng nước trái cây hoặc nước canh.
Những người viêm phổi cần chú ý cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân
- Với người già bệnh nhân bị viêm phổi, một chế độ ăn uống phù hợp và đầy đủ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng, giúp cải thiện tình trạng bệnh, ngược lại nếu ăn uống không đủ chất sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nặng hơn. Bệnh nhân viêm phổi nên ăn những loại thực phẩm mềm và dễ tiêu hóa, nên bổ sung nước và chất điện giải cho cơ thể khi có các triệu chứng như sốt hay nôn ói, tiêu chảy.
- Ngoài ra, khi chăm sóc người già bị viêm phổi, cần bổ sung đầy đủ những thực phẩm giàu năng lượng và đạm sẽ giúp người bệnh mau lấy lại sức; cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống viêm và chống lại các tác nhân gây hại. Đặc biệt, người bệnh viêm phổi nên tránh xa các loại thức uống có chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
Vệ sinh cá nhân cho người già bị viêm phổi
- Vi khuẩn, virus và các tác nhân đến từ môi trường như khói bụi, thời tiết là những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm phổi và khiến căn bệnh trở nên trầm trọng hơn, nên người bệnh cần phải biết bảo vệ cơ thể trước các tác nhân trên đồng thời lưu ý vấn đề vệ sinh cá nhân cho người bệnh.
- Súc miệng hàng ngày bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn: Thói quen này giúp tiêu diệt vi khuẩn ở cổ họng, làm loãng đờm, khai thông đường thở và hạn chế tối đa các biến chứng do nhiễm khuẩn.
- Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ cho người viêm phổi bằng cách thường xuyên thay ra giường, chiếu, chăn màn cho người bệnh.
Theo D.H (t/h)/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/mua-lanh-dung-de-viem-phoi-tan-cong-169220223133004343.htm